Cụ thể đối với lĩnh vực kinh doanh khoáng sản, thương nhân chỉ được mua, bán, xuất khẩu khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp. Khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp là khoáng sản có xuất xứ thuộc một trong các trường hợp như: Được khai thác hoặc khai thác tận thu từ các mỏ, điểm mỏ, bãi thải có Giấy phép khai thác, Giấy phép khai thác tận thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; Được nhập khẩu hợp pháp. Khoáng sản nhập khẩu được xem là hợp pháp khi có Tờ khai hàng hóa than nhập khẩu có xác nhận của Hải quan cửa khẩu; Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu và phát mại.
Thương nhân kinh doanh than phải sở hữu hoặc thuê địa điểm kinh doanh, phương tiện vận tải, phương tiện bốc rót, kho bãi, bến cảng, phương tiện cân, đo khối lượng than để phục vụ hoạt động kinh doanh và phải tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và các quy định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy.
Đối với xuất khẩu than phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chủng loại, chất lượng do Bộ Công Thương quy định. Đối với khoáng sản xuất khẩu trong thành phần chứa thori, urani bằng hoặc lớn hơn 0,05% tính theo trọng lượng ngoài việc đảm bảo các điều kiện nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này phải có giấy phép xuất khẩu vật liệu phóng xạ của Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử.
Đối với lĩnh vực kinh doanh rượu, trong quá trình sản xuất, kinh doanh rượu, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; quy định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy; quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu theo quy định của Luật Phòng chống tác hại rượu, bia"; Đáp ứng các quy định về ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.
Đối với cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép bán lẻ rượu: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Đối với lĩnh vực kinh doanh thuốc lá, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá như: Trong quá trình mua bán, chế biến nguyên liệu thuốc lá; kinh doanh sản phẩm thuốc lá doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường. Trong quá trình đầu tư trồng cây thuốc lá, tổ chức đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường. Có dây chuyền máy móc thiết bị chuyên ngành đồng bộ tách cọng thuốc lá hoặc chế biến ra thuốc lá sợi, thuốc lá tấm và các nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất ra các sản phẩm thuốc lá.
Đến năm 2022 sản lượng các sản phẩm thuốc lá do doanh nghiệp sản xuất được quy đổi ra thuốc lá điếu (loại 20 điếu/bao) phải đạt từ 100 triệu bao/năm (gồm sản lượng sản xuất tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) trở lên, trường hợp không đạt được sản lượng trên sẽ phải chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh hoặc sáp nhập với doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá khác.