Chiều 14/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phát biểu góp ý, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, đất đai là vấn đề mà nhân dân và cử tri than phiền, khiếu kiện nhiều nhất, ở Việt Nam, hầu hết các tỷ phú giàu lên rất nhanh nhờ đất và liên quan đến đất, nhiều vụ tham ô lớn và rất lớn có liên quan đến đất đai, qua đó đã nói lên sự cấp thiết phải sửa đổi Luật này.
"Dân gian có câu đất như vàng, ngày nay đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vàng quý ở giá trị nội tại của nó còn đất quý không chỉ ở giá trị nội tại mà còn ở tài sản trên đất, cây cối vật nuôi trên đất, được gia tăng qua đường sá, đô thị hóa và tổ chức dịch vụ trên đất. Kinh tế phát triển, đất càng lên giá", ông Trí cho biết.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)
Do đó, đại biểu Trí đề nghị ban soạn thảo dự thảo Luật có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá quyền sử dụng đất để dù có bỏ khung giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ nhưng tiện lợi và hiệu quả. Ngoài ra, cần quy định rõ vai trò và nhiệm vụ của thẩm định giá quyền sử dụng đất.
Chi tiết hơn, dẫn điều 86 trong dự thảo Luật đề cập đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị luật sửa đổi phải sửa cho hợp lý nhất việc dự án tự thỏa thuận. Bởi đây là điểm nghẽn, tắc nghẽn lớn trong thực tiễn khi triển khai các dự án hiện hiện nay, đặc biệt là các dự án vừa và nhỏ mang tính an sinh xã hội.
Đại biểu cho rằng, tốt nhất đề nghị chính quyền địa phương phải triển khai đền bù giải tỏa theo quy định của pháp luật để giao đất sạch cho chủ đầu tư thực hiện các dự án.
Cho ý kiến thêm về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), cho rằng việc chia đất, phân lô bán nền có thể nói là cách làm lạc hậu gây tốn kém quỹ đất, dễ tiêu cực, đặc biệt là việc xây dựng lô nhô, lắt nhắt, phá vỡ cảnh quan, quy hoạch.
"Đất nước chúng ta đã trải qua vài thập kỷ để tạo nên kỷ nguyên nhà ống mà nguyên nhân ban đầu là do phân đất, chia đất mặt tiền bám đường 5m, thậm chí 3m mà chiều dài hàng chục đến hàng trăm m", ông Trí cho biết.
Đại biểu Trí đề nghị cùng với việc sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng để chấm dứt kỷ nguyên nhà ống bất hợp lý, mất mỹ quan, phải quy hoạch đất đai thật chuẩn để nhân dân có nơi ở tốt, hợp lý và đẹp nhất có thể.
Trong khi đó, góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) khẳng định việc quy định giá đất sát với thực tiễn là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định giá đất cần tính đến nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị dự án Luật cần có quy định cụ thể về giảm tỷ suất thuế, có cơ chế để tiếp tục phát triển chính sách xã hội đối với người có thu nhập thấp và người yếu thế.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)
Trong khi đó, đại biểu Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh cần có sự thẩm tra, giám sát kỹ lưỡng về xác định giá đất.
Theo ông Văn, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định rõ về giá đất trên thị trường giữa người mua và người bán về vị trí đất; phương pháp định giá đất theo giá thị trường; đưa ra các chế tài ràng buộc trách nhiệm giữa các bên. Ngoài ra, Luật Đất đai (sửa đổi) cần thống nhất với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giá..
Theo đại biểu đoàn Lâm Đông, về cơ chế xác định giá, dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất, trách nhiệm của cơ quan xác định giá đất, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ, chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang sử dụng các công cụ kinh tế được quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai.
Đây là chủ trương lớn, có tính đột phá, nhiều điều quan trọng và phải xác lập về mặt pháp lý, cơ chế, phương pháp xác định giá theo nguyên tắc thị trường trong dự thảo luật. Trong dự án luật đã có những quy định về vấn đề này song còn khá đơn giản, sơ lược chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.