Sau khi lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực tiễn thực hiện Luật bảo hiểm xã hội cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Cụ thể, về BHXH một lần, theo quy định của Luật BHXH và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội thì điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng. Sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH là người lao động có thể hưởng BHXH một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó.
Như vậy, theo Bộ này, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía người lao động, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận BHXH một lần được xem như là có lãi, cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến người lao động mong muốn được nhận BHXH một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.
Số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm. Bộ cho rằng, cần khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, không hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Do đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định tính tháng lẻ giai đoạn trước 2014 để tính hưởng BHXH một lần theo hướng nếu thời gian đóng trước ngày 01/01/2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2014 trở đi.