Theo đó, Chủ tịch Hà Nội cho biết đề xuất này nhằm tạo thuận lợi cho người dân và thông tin dữ liệu dân cư này chỉ là thông tin trên chứng minh nhân dân, hộ chiếu không phải là bí mật đời tư.
.Thưa ông, vì sao TP Hà Nội lại đề xuất được thí điểm chia sẻ dữ liệu dân cư có thu tiền và cơ sở pháp lý của đề xuất này?
+ Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung : Hiện việc xây dựng dữ liệu dân cư đã được Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì. Theo Luật phí và lệ phí tới đây thì Bộ Công an sẽ quản lý dữ liệu này và tiến hành thu phí. Còn căn cứ vào Luật tổ chức chính quyền địa phương thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm quản lý dân cư trên địa bàn và được phép ban hành giá dịch vụ. Ở đây tôi đề xuất Chính phủ là giao cho các tỉnh thành xây dựng các giá dịch vụ để các đơn vị (được chia sẻ dữ liệu này) phải trả chứ người dân không phải trả.
Cơ sở dữ liệu dân cư này được tích hợp nó vào một trung tâm dữ liệu để dùng chung. Các đơn vị như phòng công chứng, ngân hàng… có thể truy xuất dữ liệu này và trả phí. Người dân khi tham gia các dịch vụ này sẽ không phải đem theo chứng minh thư, giấy tờ liên quan như hiện nay đang làm mà chỉ cần cung cấp mã số cá nhân để các đơn vị này truy xuất trên mạng thì sẽ ra các thông tin cần thiết.
Ví dụ một công dân ra phòng công chứng A để công chứng sổ đỏ, hoặc bằng lái xe, họ chỉ cần đọc cái mã cá nhân lên là phòng công chứng có thể tra cứu ra thông tin chứng minh thư. Thông tin trên mạng dữ liệu dùng chung này chính xác 100%, không làm giả được. Điều này vô cùng tiện lợi cho người dân, đỡ phải làm nhiều thủ tục, đỡ phải mang theo nhiều giấy tờ.
Tại cuộc họp (Cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào sáng ngày 2-7) tôi nói vắn tắt nên mọi người chưa hiểu rõ. Các nước họ cũng làm như thế rồi (việc chia sẻ dữ liệu dân cư có thu tiền), đây là xu hướng và tới đây nước mình cũng phải làm như thế thôi.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
.Thưa ông dữ liệu dân cư ở đây gồm những gì?
+ Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Hiện nay TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thành cả nước xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư. Cơ sở dữ liệu dân cư ở đây chỉ là những thông tin như trong chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu và thông tin trong sổ hộ khẩu thôi. Nó chỉ có khoảng 7 thông số thôi, chứ không phải những thông tin về bí mật đời tư, cá nhân.
.Tuy nhiên có lo lắng cho rằng các dữ liệu như vậy sẽ không được bảo mật, bị khai thác vào mục đích khác?
+ Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Khi anh đã cấp cho người ta quyền tra cứu thì nơi đó phải được quản lý về máy tính, bảo mật… Hệ thống mạng dữ liệu sẽ kiểm soát được ngày nào, ai mở xem, và mở cái đó nhằm mục đích gì Họ chỉ mở được khi người dân cung cấp đúng mã số… và không phải ai truy xuất vào cũng được, giống như người dân đang dùng thẻ ngân hàng, phải đọc được số thẻ và mã số cá nhân. Công nghệ hoàn toàn kiểm soát được, truy dấu vết được. Có thể kiểm tra ai truy cập dữ liệu đó và ai tiết lộ bí mật.
Từ lúc tôi còn làm Giám đốc CATP Hà Nội thì cơ sở dữ liệu về dân cư của TP đã được làm xong và chạy ổn định được 4-5 năm nay rồi. Nhưng hoàn toàn không một người dân nào bị lộ thông tin. Hiện các công dân đến Công an quận làm hộ chiếu thì phía công an đều truy cập được cơ sở dự liệu này, nó rất có lợi cho công tác quản lý và đỡ phiền hà rất nhiều cho người dân.
Xin cảm ơn ông!
Những thông tin trên thẻ căn cước Thẻ gồm thông tin như: ảnh, số thẻ, họ và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.Mặt sau có thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy. |