NHNN cho biết, Thông tư số 23/2013/TT-NHNN ngày 19/11/2013 và Thông tư số 41/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 được ban hành nhằm tạo khung khổ pháp lý cho các TCTD Nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH theo quy định tại Điều 8 Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thời gian qua, NHNN đã nhận được một số ý kiến của TCTD Nhà nước và NHCSXH phản ánh về các vướng mắc liên quan đến quy định tại Thông tư 23 như chưa quy định thống nhất phạm vi xác định số dư tiền gửi, phí huy động vốn... Trong quá trình nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan, NHNN nhận thấy cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung để tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện quy định duy trì số dư tiền gửi 2%.
Căn cứ Luật NHNN, Luật các TCTD, các quy định của pháp luật liên quan, tình hình triển khai thực tế và để hoàn thiện khung khổ pháp luật phù hợp, chặt chẽ cho việc thực hiện quy định duy trì số dư tiền gửi của TCTD Nhà nước tại NHCSXH, NHNN dự thảo Thông tư thay thế trên cơ sở kế thừa nội dung quy định tại Thông tư 23 và chỉnh sửa, bổ sung một số quy định cụ thể như sau:
Sửa đổi nội dung "Các TCTD Nhà nước không phải thực hiện quy định về duy trì số dư tiền gửi 2% tại NHCSXH trong thời gian đang bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt" theo hướng phù hợp với quy định về TCTD được kiểm soát đặc biệt tại Thông tư số 11/2019/TT-NHNN ngày 2/8/2019 quy định về kiểm soát đặc biệt đối với TCTD.
Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung nội dung về cách tính số dư tiền gửi nguồn vốn huy động theo hướng quy định rõ ràng, thống nhất với phụ lục 01 Thông tư 23 và phù hợp với phạm vi thống kê số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc. Theo đó, số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam của các TCTD Nhà nước bao gồm: Tiền gửi của tổ chức (không bao gồm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam) và cá nhân tại TCTD Nhà nước dưới các hình thức: Tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi vốn chuyên dùng (quy định này bao gồm cả tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại TCTD Nhà nước); tiền TCTD Nhà nước thu được từ phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu; tiền gửi khác tại TCTD Nhà nước theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận (trừ tiền ký quỹ; tiền gửi của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam).
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi quy định về phí huy động vốn tối đa từ mức 1,35%/năm xuống 1,30%/năm, để phù hợp với thực tế năm 2020 và năm 2021 TCTD Nhà nước và NHCSXH đã thỏa thuận mức phí huy động vốn là 1,30%/năm. Việc điều chỉnh giảm mức phí huy động vốn nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với NHCSXH trong việc thực hiện nhiệm vụ về giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.
Sửa đổi một số quy định về thủ tục gửi tiền, rút tiền tại NHCSXH theo hướng: Thay đổi thời điểm các TCTD Nhà nước và NHCSXH phải hoàn thành việc bổ sung phụ lục hợp đồng tiền gửi, bổ sung hoặc rút bớt số dư tiền gửi 2% tại NHCSXH và thời điểm NHCSXH phải báo cáo NHNN cho phù hợp với tình hình thực tế, do các thời điểm quy định tại Thông tư 23 thường bị trùng vào dịp Tết âm lịch, nên các TCTD và NHCSXH gặp khó khăn trong việc triển khai quy định; bổ sung quy định hướng dẫn việc rút tiền gửi 2% đối với TCTD Nhà nước được kiểm soát đặc biệt và quy định về gửi tiền 2% đối với TCTD Nhà nước được chấm dứt kiểm soát đặc biệt.