Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính.
Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế tài sản. Theo đó, đơn vị này đề xuất mức thuế suất 0,4% thuế tài sản với căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh..., có giá trị từ 700 triệu đồng (tính cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng) mỗi năm. Theo Bộ Tài chính hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Xin ông cho biết ý kiến của mình liên quan đến vấn đề này?
TS Lê Xuân Nghĩa: Cái mà Bộ Tài chính gọi là kinh nghiệm quốc tế thì tôi cho rằng cần phải được nghiên cứu thấu đáo để có thể hiểu được trong bối cảnh nào, với mục đích gì thì nên đánh thuế tài sản.
Về nguyên lý về đánh thuế tài sản của phương tây, là để kích thích việc sử dụng tài sản đó hiệu quả hơn, ví dụ, đánh thuế đất dư thừa trong khuôn viên nhà ở để tránh tình trạng một gia đình sử dụng quá nhiều đất mà lẽ ra đất đó có thể được sử dụng hiệu quả hơn.
Hoặc có quốc gia đánh thuế chênh lệch giá tài sản, như bạn mua một căn hộ đầu cơ, khi mua thì giá 1 tỷ đồng nhưng khi bán được 1,5 tỷ đồng. Khi đó, Chính phủ có thể đánh thuế một số % trên mức chênh lệch giá.
Còn về việc đánh thuế mà Bộ Tài chính đề xuất là đánh thuế nhà đang ở của dân, tôi cho rằng đây là việc cần cân nhắc thận trọng. Tiền mua nhà đó là khoản tiết kiệm bao lâu người dân mới mua được thì tại sao lại đánh thuế?
Ngoài việc đánh thuế đối với nhà ở, thì Bộ Tài chính còn đề xuất đánh thuế tài sản đối với xe ô tô trị giá từ 1,5 tỷ đồng, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Việc đánh thuế ô tô thì lại càng cần phải cân nhắc thận trọng. Thứ nhất là vì nền tảng hạ tầng của Việt Nam còn rất yếu kém, tắc nghẽn thường xuyên, nhất là ở đô thị, do đó, cần có biện pháp để hạn chế ô tô chứ không phải là đánh thuế ô tô giá đắt.
Việc đánh thuế đối với ô tô giá từ 1,5 tỷ đồng là biện pháp nửa vời, vì sao chỉ đánh thuế ô tô đắt tiền còn ô tô rẻ tiền lại không bị đánh thuế? Như thế sẽ càng khuyến khích người dân đi ô tô rẻ tiền, vừa không đạt được mục tiêu môi trường vừa không đạt mục tiêu chống tắc nghẽn. Đây là một sự trá hình của thuế thu nhập và thuế nhập khẩu xe và điều này chưa chắc được các hãng xe quốc tế tán đồng theo nguyên tắc thương mại tự do.
Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế là để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Vậy nếu như theo ý kiến của ông, là không nên đánh thuế tài sản nhà ở, ô tô, thì giải pháp sẽ là gì, thưa ông?
Tôi cho rằng, hướng quan trọng nhất là cần tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Một điều khá ngạc nhiên là tỷ lệ tiết kiệm/GDP của Việt Nam giảm khá nhanh và so với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc trước đây là quá thấp nên bất cứ việc mở rộng ngân sách nào sẽ gắn với nó một thứ là nợ, đó là điều nguy hiểm.
Một nhà kinh tế học nổi tiếng của Mỹ từng nói “nợ nước ngoài nếu dùng để tiếp thu, học tập được tiến bộ công nghệ thì tốt, còn nếu không, sẽ là một thảm hoạ”, vì vậy, phải thu hẹp dần tỷ lệ nợ/GDP, đặc biệt là nợ thương mại. Phải thu hẹp dần quy mô ngân sách, kể cả thu và chi.
Ngoài ra, Bộ Tài chính nên tập trung thu hồi toàn bộ các dự án đã đầu tư mà nằm đắp chiếu bao lâu nay, thu hồi toàn bộ các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không hiệu quả, phát mãi cho tư nhân trong nước và nước ngoài để thu hồi vốn về và làm cho khối lượng tài sản khổng lồ này hoạt động hiệu quả hơn. Điều này có ý nghĩa hơn nhiều so với việc đánh thuế tài sản của người dân.
Ngoài ra, xét về mức độ phát triển, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay nên là tối đa hoá sản lượng của nông nghiệp, làm nền tảng cho công nghiệp hoá như kinh nghiệm của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Vì vậy, có thể xem xét việc đánh thuế tài sản là đất nông nghiệp không được sử dụng có hiệu quả.