Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh việc nhà đầu tư điện gió kêu cứu vì đối diện nguy cơ phá sản.
Mòn mỏi chờ cơ chế
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến thời điểm 31-10-2021, đã có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.298,95 MW vận hành thương mại (COD). Như vậy, nếu bao gồm cả 15 nhà máy điện gió đã được công nhận COD trước đây thì trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.980,27 MW.
Bộ Công Thương cho biết hiện nay có nhiều dự án điện gió, điện mặt trời trong quy hoạch phát triển điện lực đã có nhà đầu tư, đã và đang triển khai đầu tư nhưng do nhiều nguyên nhân nên các dự án này không kịp hưởng mốc thời gian được áp dụng cơ chế giá bán điện cố định (FIT) được quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg hay Quyết định 39/2018/QĐ-TTg. Tuy nhiên, từ thời điểm 31-10-2021 đến nay, nghĩa là sau hơn 5 tháng, cơ chế xác định giá bán điện mới vẫn chưa được ban hành. Đây là điểm mấu chốt khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
Vừa qua, chủ đầu tư các dự án nhà máy điện gió: Nhơn Hội, Nam Bình 1, Cầu Đất và Tân Tấn Nhật trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã nêu tình trạng dự án đang đứng trước nhiều khó khăn khi phải dừng hoạt động, doanh nghiệp bất ổn, nguy cơ phá sản cận kề. Theo phản ánh của doanh nghiệp, cả 4 dự án điện gió này đều đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt và có chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình trước ngày 31-10-2021, có giấy phép hoạt động điện lực, đã hòa lưới trên hệ thống điện quốc gia và được ghi nhận trên dữ liệu điện tử của EVN.
Do tác động của những yếu tố khách quan như dịch Covid-19, thời tiết bất thường khiến cho việc thử nghiệm kỹ thuật không kịp thực hiện trước ngày 31-10-2021 để hưởng giá FIT theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg. Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế để kéo dài thời gian hưởng giá FIT, bù lại cho khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã nhiều lần khẳng định việc gia hạn chính sách giá FIT cho các dự án điện gió là không hợp lý.
Ảnh hưởng an ninh hệ thống điện
Dự án điện gió, điện mặt trời chưa kịp vận hành thương mại để hưởng giá FIT ưu đãi sẽ có cơ chế chuyển tiếp là đàm phán giá điện trực tiếp với EVN. Đây là đề xuất mới nhất được Bộ Công Thương nêu ra tại tờ trình do Thứ trưởng Đặng Hoàng An ký gửi Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng "dự thảo Quyết định cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời" theo quy trình, trình tự rút gọn và cơ quan này dự kiến trình Chính phủ vào tháng 5-2022.
Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng cơ chế mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời thay thế cơ chế cũ là rất cần thiết, bởi FIT là cơ chế khuyến khích của nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư, ở đây là lĩnh vực điện gió, điện mặt trời.
Trong bối cảnh giá năng lượng tái tạo trên thế giới có xu hướng giảm và hiện nay khi quy mô phát triển năng lượng tái tạo trở nên cạnh tranh hơn, Bộ Công Thương cho rằng việc xem xét, chuyển dịch sang chính sách cạnh tranh, tiệm cận thị trường là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và xu hướng phát triển trên thế giới.
Hơn nữa, theo Bộ Công Thương, việc giữ nguyên các cơ chế ưu đãi tại các quyết định nêu trên sẽ có một số hạn chế. Trước hết, thời hạn hợp đồng mua bán điện 20 năm là không phù hợp do hiện nay chi phí sản xuất điện gió và điện mặt trời có xu hướng giảm so với thời điểm ban hành cơ chế FIT với hiệu suất công nghệ cải thiện, quy mô và kinh nghiệm phát triển. Bên cạnh đó, giá điện được điều chỉnh theo biến động tỉ giá VNĐ/USD cũng không phù hợp theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013, các thông tư quy định hạn chế sử dụng ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. "Đến nay, điện gió và điện mặt trời ở nước ta đã chiếm 26% tổng công suất lắp đặt, việc bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện sản xuất của các nhà máy dẫn đến bất bình đẳng với nhiều nhà máy điện khác trong hệ thống, ảnh hưởng an ninh hệ thống điện" - Bộ Công Thương nêu rõ.
Về cơ chế đấu thầu, Bộ Công Thương đề xuất đối tượng tham gia đấu thầu là các dự án, phần dự án điện mặt trời, điện gió đã và đang triển khai đầu tư nhưng không kịp mốc thời gian theo quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giá thầu của dự án phải nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.
Đơn vị tổ chức đấu thầu là EVN
Bộ Công Thương nêu đơn vị tổ chức đấu thầu là EVN và thời gian thực hiện đấu thầu trong năm 2022 áp dụng cho giai đoạn từ năm 2022 - 2025. Sau năm 2025, các đơn vị tiếp tục tham gia đấu thầu theo quy định do Thủ tướng hoặc Bộ Công Thương ban hành. Đối với xây dựng khung giá phục vụ việc đấu thầu, Bộ Công Thương đề xuất phương pháp xây dựng khung giá tương tự phương pháp quy định tại Thông tư 57/2014/TT-BCT ngày 19-12-2014 quy định phương pháp, trình tự và ban hành khung giá phát điện có điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng áp dụng là các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió.
Lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, cho biết tại Bình Thuận cũng có vài dự án điện gió bị chậm tiến độ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây gián đoạn, có dự án đến nay mới lắp đặt xong, đồng nghĩa là các dự án này sẽ không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) theo Quyết định 39/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió và đứng trước nhiều khó khăn vì phải trả lãi vay cho các khoản vay để thực hiện dự án.
Câu chuyện các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, gặp khó khăn, phải cầu cứu Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ đã lặp lại nhiều lần nhưng vẫn chưa được tháo gỡ. Bản chất vấn đề về những khó khăn của nhà đầu tư hiện tại không phải chỉ từ các quy định của ngành điện với quy trình công nhận vận hành thương mại (COD), cơ chế ưu đãi giá FIT mà là nguồn điện từ năng lượng tái tạo đã dư thừa, chạm ngưỡng nguy hiểm cho lưới điện trong khi mạng lưới truyền tải chưa được đầu tư tương xứng nhằm đáp ứng việc phân phối điện. Ở đây, lỗi một phần là do các nhà đầu tư trước đây đã ồ ạt đầu tư dự án điện năng lượng tái tạo, dự án được cấp phép tràn lan không có trong quy hoạch dẫn đến áp lực lớn cho mạng lưới truyền tải, một số dự án không thể đấu nối kịp vào mạng lưới gây tình trạng lãng phí tài nguyên và kinh phí.
Giải pháp cho vấn đề này là đầu tư hệ thống lưu trữ năng lượng hoặc kết nối liên quốc gia để bán điện cho nước ngoài. Tuy nhiên, trước mắt, nhà nước cần xem xét, chia sẻ với doanh nghiệp bằng chính sách hỗ trợ những dự án bị chậm tiến độ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đầu tư điện gió thì chuẩn bị tinh thần cắt giảm sản lượng trong vài năm tới; về lâu dài có thể phát triển được hay phải chấp nhận thua lỗ, phá sản còn tùy thuộc khả năng hấp thụ và tiêu thụ sản lượng điện năng lượng tái tạo của hệ thống như thế nào.
T.Nhân