Theo đó, phương án quy hoạch do nhà đầu tư này đề xuất sẽ phát triển một khu đô thị sinh thái Tây Nam sinh thái mới bao gồm các khu công năng: nhà ở, thương mại, dịch vụ, du lịch, công trình công cộng… Dự án có quy mô 1.800ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 148.800 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu 23.000 tỷ đồng). Thời gian hoạt động dự án lâu dài.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề xuất được tiến hành lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 và lập đề xuất đầu tư dự án bằng nguồn vốn ứng trước của nhà đầu tư.
Theo tìm hiểu, từ tháng 8/2017, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp Hội đồng đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi Ý tưởng quốc tế Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 khu Tây Nam, TP Bà Rịa. Qua phân tích, đánh giá và chấm điểm của Hội đồng, giải Nhất thuộc về Liên danh Trung tâm Quy hoạch xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và New Design Associate Limited.
Theo đó, khu Tây Nam TP Bà Rịa là vị trí chiến lược, thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng một thành phố sinh thái – thành phố kiểu mẫu. Khu vực này gần sân bay Long Thành, Long Sơn, Quốc lộ 51 và có đường sắt xe lửa quy hoạch kết nối TP.HCM – Vũng Tàu ngang qua, do đó tạo điều kiện cho việc giao thông đi lại trong tương lai. Đồng thời, Dự án cũng gần với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên thuận tiện cho việc kết nối các tour du lịch.
Trung tâm New Design Associate Limited cho biết ý tưởng thiết kế quy hoạch của dự án là tạo thành đại lộ vòng tròn xanh kết nối với các khu vực phát triển lân cận như TP.HCM, TP Bà Rịa, Đảo Long Sơn, Đảo Gò Găng, TP Vũng Tàu; giữ nguyên hiện trạng tự nhiên rừng ngập mặn và tận dụng tối đa diện tích mặt nước để phát triển du lịch sinh thái; chú trọng phát triển giao thông sinh thái, chức năng và tài nguyên sinh thái, giải trí sinh thái và phong cách sống sinh thái cho cư dân.
Mặt bằng tổng thể của Dự án gồm: Đảo giải trí trung tâm, Quảng trường và khu mua sắm, khu ẩm thực và thương mại, căn hộ Soho, làng công nghệ, quảng trường rừng ngập mặn, Bến du thuyền, trung tâm nghiên cứu và giáo dục rừng ngập mặn, khu công nghiệp nhẹ, nhà máy năng lượng mặt trời, trung tâm thể thao, ga tàu hỏa,…
Trong khi đó, quan điểm của địa phương là ủng hộ trên tổng thể ý tưởng thiết kế quy hoạch của dự án. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thêm đây là một ý tưởng thiết kế hay, mang tính công cộng, giữ được nguyên hiện trạng tự nhiên của rừng ngập mặn sinh thái, tuy nhiên để thu hút các nhà đầu tư vào thực hiện dự án cần xem xét lại tính khả thi. UBND tỉnh yêu cầu Đơn vị tư vấn nghiên cứu, điều chỉnh lại thiết kế dự án cho phù hợp với thực tế nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và đáp ứng lợi ích cho nhà đầu tư.
Một siêu đô thị đang được FLC và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư cà Phát triển Việt Nam đề xuất đầu tư
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam thành lập vào ngày 12/10/2001, đăng ký thay đổi lần thứ 28 ngày 17/9/2019. Công ty này có địa chỉ tại 66 Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM. Hoạt động chính của tập đoàn là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam là ông Nguyễn Thanh Sử (sinh năm 1975).
Qua tìm hiểu được biết, ông Sử hiện là đại diện cho 13 doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Quê Hương Liberty, Công ty TNHH MTV Anh Khôi Việt, Công ty Cổ phần liên kết toàn cầu Việt Nam, Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp EA H’LEO, Công ty Cổ phần Vạn thương Sài Gòn, Công ty THH Đầu tư Xuất nhập khẩu Ngọc Việt, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Bến Thành, Công ty Cổ phần nông nghiệp hợp tác Vạn thương, Công ty TNHH TNNEST, Công ty TNHH MTV Vạn thương Vũng Tàu, Công ty TNHH MTV Vạn thương Đăk Nông, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn thương, Công ty Cổ phần Vạn thương Holdings.
Đáng chú ý, ông Sử còn là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Docimexco; thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Hoàn Mỹ; thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vĩnh Hội; thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cửu Long; thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Dược phẩm 3/2; thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang.
Được biết, khu đô thị Tây Nam đang được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kêu gọi nhà đầu tư và trước đây tập đoàn FLC cũng đã có những đề xuất về phương án đầu tư dự án này.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tập đoàn FLC đã "mang theo" một số dự án đề xuất đầu tư vào tỉnh này gồm: Tổ hợp du lịch núi Dinh (2.440ha), khu đô thị Tây Nam TP.Bà Rịa (1.698ha); tổ hợp trung tâm thương mại, căn hộ khách sạn và nhà phố thương mại (3,7ha, thuộc phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu); Vườn thú hoang dã Safari (hơn 500ha).
Trong đó, FLC đã nêu lên ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sinh thái Tây Nam TP. Bà Rịa thành một thành phố mới với đầy đủ tính chất của một khu đô thị, kiến trúc cảnh quan gồm: Biệt thự cao cấp ven sông, khách sạn 5 sao, resort nghỉ dưỡng, villas sân golf, quảng trường, resort nghỉ dưỡng, phố cảng thương mại, phố đi bộ, cảng - bến thuyền, khu nhà ở cao cấp, trung tâm hội nghị, sân golf, trung tâm thương mại, ga đường sắt, kênh thoát nước, khu công nghiệp dự kiến, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học.
Về đề xuất này, UBND TP. Bà Rịa đề nghị Tập đoàn FLC làm việc lại với Sở Xây dựng để xác định diện tích thực hiện dự án, mật độ xây dựng, mật độ dân cư; thiết lập những điểm nhấn cho từng khu vực; lưu ý ý tưởng quy hoạch cần tuân thủ quy hoạch chung 1/10.000 TP. Bà Rịa.