Mới đây, một doanh nghiệp đã đề xuất với Bộ GT-VT xin được di dời ga Nha Trang ở trung tâm thành phố ra ngoại thành phía Tây. Nhiều năm qua, việc di dời ga Nha Trang cũng được chính quyền địa phương và người dân kiến nghị liên tục nhưng chưa được giải quyết.
Ga Nha Trang là một công trình kiến trúc lịch sử.
|
Doanh nghiệp đề xuất với Bộ GT-VT di dời ga Nha Trang là Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung, có trụ sở tại Hà Nội. Theo đó, với hình thức đầu tư xây dựng- chuyển giao, doanh nghiệp sẽ đầu tư đoạn đường sắt Bắc- Nam thay vì rẽ vào ga Nha Trang như hiện nay sẽ rẽ lên xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang- nơi dự kiến xây dựng nhà ga mới. Đổi lại, doanh nghiệp được hoàn vốn bằng quỹ đất ga Nha Trang hiện tại, ngoại trừ công trình nhà ga Nha Trang được giữ lại làm bảo tàng đường sắt.
Hiện, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đồng ý về mặt chủ trương để Công ty Tuấn Dung nghiên cứu tiền khả thi dự án bằng vốn doanh nghiệp. Hồ sơ báo cáo tiền khả thi sẽ được Bộ GT-VT thẩm định, trước khi trình Chính phủ xem xét cho ý kiến.
Nhiều đoạn đường sắt nằm giữa trung tâm thành phố gây ùn tắc. |
|
Được biết, ga Nha Trang được xây dựng từ gần 100 năm trước tại phường Phước Tân. Phía sau nhà ga là đoạn đường sắt chạy theo hình bóng đèn tròn, toàn bộ khu vực khoảng 15 héc ta, chiếm khoảng 1/3 diện tích của phường này. Đến nay, vòng cung đường sắt lớn ở giữa trung tâm thành phố luôn gây kẹt xe mỗi lần có tàu ra- vào, thêm nữa là ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự. Hàng chục năm nay, cán bộ và nhân dân phường Phước Tân nhiều lần đề nghị di dời hệ thống đường sắt chạy vòng qua địa bàn phường.
Ông Vũ Văn Nở, Chủ tịch UBND phường Phước Tân cho biết, trên địa bàn có đến 15 ngàn dân nên nhu cầu di dời ga Nha Trang trở nên bức thiết: “Người dân phải mở những lối băng dân sinh rất nguy hiểm, có những tai nạn đã xảy ra. Khu tập kết hàng hóa, vệ sinh môi trường, cỏ cây um tùm. Người dân đổ xà bần ở đây rất là nhiều. Tội phạm ma túy, xì ke, hút chích, tập trung dựng lều, địa phương đẩy đuổi rồi người ta cũng tái lấn chiếm lại”.
Ga Nha Trang nằm giữa trung tâm thành phố, thường xuyên gây ùn tắc. |
|
Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương quy hoạch hơn 40 héc ta đất tại thôn Xuân Sơn, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang để làm ga mới. Đây là khu vực cách vị trí ga hiện tại khoảng 6km, dân cư thưa, đa phần là đất nông nghiệp, lại nằm gần các trục giao thông chính kết nối Bắc- Nam.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang cho biết: “Khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng. Đổi ga Nha Trang sẽ thuận lợi hơn, sẽ giúp tăng phát triển kinh tế của Nha Trang và xã Vĩnh Trung nói riêng vì nó nằm trên trục sát với đường ray hiện nay. Dĩ nhiên cũng sẽ khó khăn vì thu hồi quỹ đất cũng quá lớn đối với nhân dân hiện nay, mong rằng, khó khăn này sẽ có chế độ chính sách của Nhà nước sẽ bù đắp lại cho nhân dân thỏa đáng”.
Có nhiều đoạn đường sắt chạy trong khu dân cư. |
|
5 năm trước, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Bộ GT-VT xem xét đầu tư đưa ga Nha Trang ra khỏi phạm vi nội thành khi điều kiện về nguồn vốn cho phép. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa lại tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc việc dời ga, vì lượng tàu ra vào ga với tần suất lớn, thường xuyên gây ùn tắc, mất an toàn giao thông trước ga và khu vực xung quanh. Mới đây, Bộ GTVT đã đề nghị tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, đánh giá tổng thể sự cấp thiết, mục tiêu, phương án thu hồi đất, sử dụng quỹ đất sau khi triển khai dự án Cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang để bỏ đường vòng.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, ga Nha Trang là một công trình có nhiều dấu ấn về kiến trúc, cảnh quan, lịch sử. Đã có nhiều ý kiến cho tồn tại để làm ga hành khách, chuyển ga hàng hóa đến xã Vĩnh Trung. Vì vậy tỉnh Khánh Hòa đang rà soát để tìm hướng giải quyết phù hợp: “Muốn đưa ga Nha Trang ra bên ngoài, vì tần suất tàu đi vào khu trung tâm thành phố rất dày đặc, dẫn đến kẹt xe. Quy hoạch có đề cập như vậy, sắp đến, chúng tôi có rà soát, đánh giá lại mức độ như thế nào để chúng ta có di dời hoặc ở lại với mức độ nào phù hợp. Để đảm bảo thành phố chúng ta phát triển được tốt nhưng các công trình nếu cần để lại thì phù hợp với xu thế chung”./.