Ngày 12-2, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa, cho biết cơ quan này vừa gửi văn bản đến UBND tỉnh về 2 phương án đề xuất di dời ga Nha Trang của Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (gọi tắt là Công ty Tuấn Dung, trụ sở tại TP Hà Nội). Các phương án này do doanh nghiệp tự bỏ tiền ra khảo sát, nghiên cứu đề xuất.
Rút ngắn 5 km đi qua khu vực đông đúc
Theo phương án 1, sẽ cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, xây dựng mới cầu quay đầu máy để bỏ đường vòng. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới (xã Vĩnh Trung, ngoại thành TP Nha Trang) là ga hàng hóa; xây dựng đường vòng, tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố. Quy hoạch sử dụng 36.450 m2 đất khu vực ga Nha Trang trở thành chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.
Phương án 2, cải tạo ga Nha Trang hiện hữu thành bảo tàng du lịch. Dỡ bỏ ga Nha Trang và khu vực bên trong đường vòng hình bóng đèn hiện tại; tuyến đường sắt chính đi thẳng ra ga Vĩnh Trung. Phương án này sẽ quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích khoảng hơn 114.287 m2, bố trí gồm: bảo tàng ga, chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.
Sở GTVT TP Nha Trang cho rằng phương án 1 phù hợp với quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam được Bộ GTVT phê duyệt năm 2015, phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012. Theo phê duyệt này, ga Nha Trang sẽ trở thành ga hành khách, xây dựng ga hàng hóa ngoài trung tâm thành phố.
Còn phương án 2, chưa phù hợp với quy hoạch đường sắt đã được Bộ GTVT phê duyệt di dời toàn bộ ga ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Việc sử dụng đất khu vực ga Nha Trang cũng chưa được thể hiện trong quy hoạch chung của thành phố.
Tuy nhiên, Sở GTVT lại đồng ý với phương án 2 vì ga Nha Trang tiếp nhận khoảng 48 đoàn tàu ra vào ga mỗi ngày khiến giao thông thường xuyên ùn tắc. Việc di dời ga Nha Trang đến vị trí mới sẽ rút ngắn được 5 km đường sắt đi qua khu vực đông dân cư, bỏ được 4 đường ngang và 8 lối đi tự mở qua đường sắt...
Một doanh nghiệp đang đề xuất cải tạo, biến khu đất của ga Nha Trang thành công trình hỗn hợp
Tôn trọng di tích lịch sử
Liên quan đến 2 phương án này, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng hiện nay chỉ mới là ý tưởng, Tỉnh ủy chưa có ý kiến gì. Về nguyên tắc chung, ga Nha Trang là một di tích lịch sử nên phải giữ lại kiến trúc nhà ga hiện tại. Còn quy hoạch sử dụng khu đất thuộc ga Nha Trang thì sau này Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng trên cơ sở thống nhất với tỉnh.
Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết 2 phương án này chưa công khai rộng rãi cho các sở, ngành đóng góp ý kiến. Ga Nha Trang khánh thành từ năm 1936. Di tích lịch sử này ghi lại trận đánh năm 1945 mở đầu cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân Khánh Hòa. Mọi hoạt động gây ảnh hưởng đến di tích lịch sử đều phải có ý kiến của bộ, ngành trung ương, địa phương và người dân.
Trong khi đó, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, cho rằng đây là một trong những nhà ga đẹp nhất Đông Dương mà Pháp xây dựng theo kiến trúc châu Âu. Việc di dời ga Nha Trang là cần thiết vì ga nằm ngay khu vực trung tâm phát sinh những bất cập. Tuy nhiên, về sử dụng khu vực đất nhà ga làm chung cư, nhà cao tầng thì không nên. TP Nha Trang cần có những khu vực mang tính chất cộng đồng nhiều hơn.
Sở GTVT cho biết di dời ga Nha Trang và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố là cần thiết, phù hợp theo quy hoạch của ngành đường sắt và quy hoạch chung TP Nha Trang. Theo quy hoạch này, doanh nghiệp Tuấn Dung được Bộ GTVT đồng ý cho tự bỏ tiền ra nghiên cứu, đề xuất ý tưởng việc di dời và sử dụng quỹ đất hiện tại để kinh doanh thu hồi vốn. Khu vực này có diện tích rất lớn, là tài sản công của ngành đường sắt quản lý. Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định hiện hành và các quy định về đầu tư theo hình thức BT, phải lấy ý kiến cộng đồng người dân, bảo đảm quy hoạch mang tính khả thi và lợi ích cộng đồng.
Kinh phí lớn
Theo ông Nguyễn Văn Dần, từ ý tưởng đến thực hiện là quá trình rất dài vì muốn di dời ga Nha Trang cần kinh phí rất lớn. Ngay cả Đà Nẵng, TP HCM cũng chưa thực hiện được. Ngoài ra, cần phải bổ sung vào quy hoạch GTVT tỉnh, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung thành phố đến năm 2025; phải cụ thể hóa theo quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500 mới triển khai được dự án; xây dựng lộ trình di dời cụ thể. Ông Dần lưu ý việc di dời chỉ được thực hiện khi đường sắt tốc độ cao được xây dựng và đi vào khai thác.