BHXH Việt Nam vừa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội, Chính phủ...) sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về BHXH để thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH.
Cụ thể, theo yêu cầu Nghị quyết số 28 đặt ra tại nội dung cải cách thứ tám, nêu rõ: "Sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động. Nghiên cứu điều chỉnh tỉ lệ đóng vào Quỹ BHXH theo hướng hài hoà quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động".
Người dân làm thủ tục nhận lương hưu - Ảnh: Hải Nguyễn
Theo BHXH Việt Nam , đến nay số người tham gia BHXH là gần 16 triệu người, đạt 32,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó gần 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện); BHTN gần 13,2 triệu người, đạt 26,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; BHYT gần 87 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 88,9% dân số, giảm 1,24% so với hết năm 2020.
Đến hết tháng 3-2021, số người giải quyết hưởng mới chế độ BHXH hằng tháng, ốm đau, thai sản đều giảm; số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng, tăng gần 20,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh, người lao động nghỉ việc, mất việc, tính thời điểm này đã đủ 12 tháng (trong đó, một số địa phương có số người đề nghị hưởng BHXH một lần tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quảng Nam…).
Liên quan tới tiền lương đóng BHXH, trước đó báo cáo BHXH Việt Nam cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chủ yếu xây dựng thang, bảng lương để đóng BHXH bằng mức thấp nhất.
Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy đa số doanh nghiệp đã đăng ký đóng BHXH cho người lao động theo mức lương mà không có khoản bổ sung khác. Mặc dù quy định từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH gồm mức lương và thêm khoản bổ sung khác. Theo BHXH Việt Nam một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên là việc chưa chỉ rõ khoản phụ cấp bổ sung nào phải tính đóng BHXH.
Thực tế ở nhiều doanh nghiệp đưa ra rất nhiều các khoản thu nhập khác như: khoán sản phẩm (ngoài định mức lương), tăng năng suất lao động tính theo tỷ lệ %, hỗ trợ tiền nhà, tiền điện thoại, xăng xe, chuyên cần (chăm chỉ - ngày công lao động trong tháng) để không phải đóng BHXH.