Theo kế hoạch, sân bay Côn Đảo sẽ được đầu tư kéo dài đường cất/hạ cánh, thêm vị trí đỗ máy bay để có thể khai thác được các dòng máy bay tầm trung như A320/321, thay vì chỉ khai thác được máy bay cỡ nhỏ như ATR72 và tương đương như hiện nay.
Để triển khai dự án, sân bay Côn Đảo sẽ phải tạm đóng cửa hoàn toàn, thay vì vừa khai thác vừa mở rộng như các sân bay khác trong đất liền. Trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không kiến nghị bộ này thống nhất với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian tạm đóng cửa sân bay Côn Đảo để phục vụ dự án mở rộng từ tháng 4/2023, thời gian tạm đóng cửa kéo dài 9 tháng (tới tháng 12/2023).
Cục Hàng không cũng kiến nghị Bộ GTVT làm việc với địa phương để xúc tiến các công việc liên quan tới giải phóng mặt bằng, tái định cư; lập cảng biển tạm phục vụ thi công; công bố giá nguyên vật liệu, giới thiệu các mỏ vật liệu; rà soát và điều chỉnh quy hoạch rừng để đảm bảo thống nhất, đồng bộ các dự án giao thông kết nối với sân bay…
Được biết, tới nay Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) đã trình Cục Hàng không hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, kế hoạch lựa chọn tư vấn dự án…
Để mở rộng, sân bay Côn Đảo buộc phải đóng cửa trong 9 tháng phục vụ thi công.
Theo quy hoạch, dự án mở rộng sân bay Côn Đảo gồm mở rộng đường cất hạ cánh, đường lăn được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư; Đài kiểm soát không lưu và hệ thống trạm khí tượng do Tổng Công ty Quản lý bay làm chủ đầu tư; các hạng mục nhà ga, sân đỗ máy bay, đường giao thông… do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư; kho nhiên liệu sẽ theo thủ tục đấu thầu.
Tuy nhiên, riêng các hạng mục ACV làm chủ đầu tư tới nay tổng công ty này chưa đưa vào kế hoạch đầu tư của đơn vị trong giai đoạn 2021-2025. Trong khi, nếu các hạng mục này không thể triển khai cùng thời điểm thì các dự án thành phần khác cũng không thể triển khai.
Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan đại diện vốn nhà nước tại ACV) để thúc đẩy ACV triển khai các công việc liên quan tới dự án trên.
Theo quy hoạch, sân bay Côn Đảo sẽ được mở rộng để đạt công suất 2 triệu khách/năm (gấp 5 lần hiện nay), có 8 vị trí đỗ máy bay (thêm 6 vị trí mới); đường băng kéo dài thêm 15m và mở rộng thêm 5m so với hiện nay, đáp ứng khả năng khai máy bay bay A320/321 và tương đương; bổ sung đèn tín hiệu, công trình quản lý bay để có thể khai thác vào ban đêm.
Tổng mức đầu tư dự án trên hơn 3.794 tỷ đồng. Trong đó, một phần sử dụng vốn ngân sách (kéo dài đường băng, mở rộng sân đỗ, hệ thống đèn), một phần sử dụng vốn doanh nghiệp (nhà ga hành khách, công trình quản lý bay).
Trước khi các đường bay bị gián đoạn vì dịch COVID-19, sân bay Côn Đảo có 6 đường bay nội địa kết nối với TPHCM, Cần Thơ, Hà Nội, Thanh Hoá, Vinh, Hải Phòng tần suất khai thác 20 - 22 chuyến/ngày.