Hội thảo khoa học lấy ý kiến về kết quả nghiên cứu, đề xuất quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề xuất đầu tư luồng cảng biển nước sâu theo quy hoạch, diễn ra sáng 26/11 tại TP. Tam Kỳ, Quảng Nam.
Hội thảo do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành lĩnh vực GTVT, hàng hải, thủy văn, logistics.
Quy hoạch vùng đất vùng nước cảng biển Quảng Nam đến năm 2030 có tổng diện tích 139,2 ha.
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn thiết kế, tổng nhu cầu vốn xây dựng cảng biển Quảng Nam theo quy hoạch đến năm 2030 là 19.000 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn đầu tư được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn các tổ chức, doanh nghiệp. Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung cho hạ tầng thông tin hàng hải, các công trình cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các vùng neo chờ đợi cầu, đợi luồng vào các khu bến cảng biển Quảng Nam.
Danh mục dự án ưu tiên đầu tư gồm kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào cảng và bến cảng biển.
Đại biểu dự hội thảo.
Cụ thể, thiết lập tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 DWT. Đây là hạng mục công trình quan trọng vừa đảm bảo khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển đã và đang đầu tư, vừa có tính chất quyết định cho việc phát triển cảng biển Quảng Nam và khu Kinh tế mở Chu Lai theo các quy hoạch đã được phê duyệt.
Tuyến luồng được đầu tư trực tiếp từ nguồn vốn của doanh nghiệp, trong đó nhà đầu tư thực hiện đầu tư toàn bộ tuyến luồng, đê/kè chắn sát, giảm sóng, báo hiệu hàng hải, thiết lập vùng đón trả hoa tiêu cho tuyến luồng mới đồng bộ với khu bến Tam Hòa và khu phi thuế quan (bao gồm cả đường sau cảng) và tự chịu trách nhiệm duy tu, vận hành khai thác tuyến luồng. Đầu tư hạ tầng thông tin hàng hải , các công trình cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các vùng neo chờ đợi cầu, đợi luồng vào các khu bến cảng biển Quảng Nam.
Bến cảng biển từ nay đến năm 2025, đưa vào khai thác các bến số 2 cảng Tam Hiệp tiếp nhận tầu 50.000DWT; cải tạo nâng cấp cảng Kỳ Hà phục vụ Nhà máy xử lý khí. Giai đoạn 2025-2030 hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác 2 bến khởi động tại Tam Hòa đồng bộ với tuyến luồng Cửa Lở cho tầu 50.000DWT.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang tại hội thảo.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang , trong hệ thống cảng biển Việt Nam, cảng biển Quảng Nam thời gian qua có tăng trưởng khá, năm 2021 đạt 2,52 triệu tấn, mức tăng trưởng đạt trên 16%, số lượng tàu lớn ra vào ngày càng nhiều. Cảng biển ở Quảng Nam còn đáp ứng vai trò tránh trú bão trong.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân việc đầu tư xây dựng phát triển cảng biển Quảng Nam chưa được như quy hoạch, trong đó nguyên nhân quan trọng là điểm nghẽn về tuyến luồng.
Kết quả nghiên cứu đề xuất quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước, cảng biển Quảng Nam và đề xuất đầu tư luồng cảng biển nước sâu theo quy hoạch được nghiên cứu sâu, bài bản, cẩn trọng. Không chỉ đề xuất xây dựng tuyến luồng mà đề xuất tổng thể toàn diện tuyến luồng, đầu tư quy hoạch về bến cảng, khu phi thuế quan, khu công nghiệp hậu cần... Kết quả nhận được đồng thuận cao của các chuyên gia đầu ngành. Đây là tiền đề quan trọng để Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định trình Bộ GTVT, Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Đặc biệt, việc huy động 100% vốn xã hội hoá để đầu tư xây dựng tuyến luồng cảng biển này là đề xuất đúng đắn, phù hợp xu thế và chủ trương. Đây là bước đột phá, hình mẫu về đề xuất đầu tư xây dựng bến cảng” – ông Sang nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị tư vấn nghiên cứu về tiến độ đầu tư trong bối cảnh nhu cầu lớn, cần phân kỳ vừa đầu tư vừa khai thác, không đợi đến khi luồng đón tàu 50.000 tấn. Đồng thời lưu ý bổ sung quy hoạch khu neo trong luồng nước cảng biển. Song song lộ trình đầu tư tuyến luồng mới, cần nghiên cứu đề xuất đầu tư duy tu tuyến luồng cũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, việc xây dựng bến cảng Quảng Nam và tuyến luồng này không tách riêng thuần túy là cảng biển mà còn gắn kết với hệ thống sân bay Chu Lai (đang được đề xuất đầu tư thành cảng hàng không quốc tế cấp 4F). Ngoài ra, kết nối hệ thống đường qua hành lang quốc tế Lào, Thái Lan, Myanmar.
"Cảng biển - sân bay - đường bộ liên vùng được đầu tư đồng thời, tất cả được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa chứ không phải của ngân sách Nhà nước. Điều đó cho thấy tính hiệu quả rất cao” - ông Thanh nói.