Bản thân là người lao động chỉ mong Nhà nước và những người làm luật tìm ra giải pháp tốt nhất cho người lao động để khi lớn tuổi không còn là gánh nặng cho xã hội và gia đình.
Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: - 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội. Xung quanh đề xuất này, Báo Người lao động tiếp tục nhận được nhiều ý của độc giả góp ý về vấn đề này.
Theo bạn đọc Ngô Thị Mỹ Hiền, đề xuất nói trên quá bất công cho người lao động, bởi đó là phần tiền của người lao động và doanh nghiệp đóng, không phải tiền của ai khác mà phải cắt của họ. Ban đọc Vũ Hải bày tỏ: "Họ không có quyền đối với tiền mồ hôi nước mắt của doanh nghiệp và của người lao động. Nếu có đề xuất gì thì phải được sự đồng ý của của chủ những đồng tiền đó, thật sự vô lý hết sức... Bao năm doanh nghiệp và người lao động chỉ đóng tiền vào đó mà không hề biết số tiền đó hàng ngày, hàng giờ được sử dụng như thế nào, có bao nhiêu, còn bao nhiêu. Rồi lại lo vỡ quỹ... "Các quan soạn thảo có bao giờ tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao người lao động phải chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần không? Họ không có lựa chọn nào khác vì họ không đủ khả năng đóng tiếp hay vì họ không còn tin vào chính sách nữa rồi,..!!!" - bạn dọc Vũ Hải viết.
Bạn đọc tên thì đặt câu hỏi: "Nói ngắn gọn là 50% đó đi về đâu? Nếu 50% đó để tới tuổi hưu mới lấy thì khoản thời gian đo tính bằng lãi suất ngân hành tức là cho rút 50%. còn 50% bảo hiểm xã hội vay lại của người lao động. Cũng suy nghĩ, bạn đọc Ngoc Lan chia sẻ: "Chúng tôi là những người lao động trực tiếp chịu rất rất nhiều sự thiệt thòi về chế độ bảo hiểm xã hội. Đừng nghĩ ra luật gây gánh nặng cho người lao động". Một bạn đọc tên Liêm gay gắt hơn: " Cứ nói thẳng với nhau, nếu đặt mình vào hoàn cảnh người lao động thì người đề xuất đã không đề xuất kiểu bắt chẹt như vậy". Lấy ngay trường hợp của bản thân làm ví dụ, bạn đọc Trần Thanh Tùng đặt câu hỏi: "Tôi tham gia bảo hiểm xã hội 25 năm mới 54 tuổi bị bệnh không đi làm nổi phải nghỉ việc. Ngoài bảo hiểm thất nghiệp thì không hưởng chế độ gì, cái sống đã khó còn thêm trị bệnh, các vị ngồi trên cao có thấu cho người lao động không?".
Bạn đọc Quy Nhon cũng bày tỏ: Thật sự vô lý,đấy là quyền lợi của công nhân, vả lại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không có quyền tước đoạt quyền lợi cua người dân đi như vậy,không cho thì thôi, đằng này còn giữ lại đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân". Bạn đọc Nguyễn Thị Kim Ngân tha thiết hơn: "Xin hãy nghĩ cho công nhân chúng tôi, đó là tiền của chúng tôi và doanh nghiệp". Một bạn đọc tên Quyết phân tích: " Tôi làm phép toán đơn giản. Mỗi tháng bảo hiểm xã hội thu trên 1 người lao động là 22% của 1 tháng lương. 12 tháng tổng thu trên 1 người lao động là 2.64 tháng lương. Nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần, họ được rút 2 tháng cho 12 tháng đóng. Như vậy bảo hiểm xã hội đã "lãi" của người lao động 0,64 tháng lương. Tại sao lo vỡ quỹ??? Tại sao lại áp dụng nhưng quy định vô lý này lên người lao động??
Góp ý chân thành về đề xuất này, bạn đọc Hoàng Hiếu cho rằng bản thân là người lao động chỉ mong nhà nước và những người làm luật tìm ra giải pháp tốt nhất cho người lao động để khi lớn tuổi không còn là gánh nặng cho xã hội và gia đình chứ không phải làm sao cho người lao động khổ hơn khi đối mặt với tuổi già và khi không còn sức lao động. Đồng quan điểm, bạn đọc tên Nga bày tỏ: "Chỉ mong giảm tuổi nghỉ hưu và giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Tuổi thọ càng ngày càng giảm mà các ông ở trên cứ như này thì bắt ép sức lao động của người lao động quá, nghỉ hưu năm trước năm sau về với tổ tiên. Bao nhiêu năm cống hiến chưa có thời gian bên gia đình con cháu, còn người trẻ tuổi năng động sáng tạo thì không có việc làm, vì người kiệt sức vẫn còn ngồi đó, lấy đâu ra chỗ trống cho người trẻ vào làm. Hy vọng các bác ngồi trên ngó xuống và nhìn nhận thấu đáo". |
(Theo Người Lao Động)