Bên cạnh các giải pháp mà Chính phủ, các bộ - ngành đã và đang triển khai, DN cần thêm những gói hỗ trợ "đúng và trúng" để vượt qua giai đoạn cam go này.
Trước yêu cầu đó, ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với mục tiêu hỗ trợ kịp thời, đúng, trúng đối tượng nhằm giúp DN, người dân ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh.
Theo ông Hưng, một số giải pháp chính được đưa ra trong dự thảo là giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 như đã áp dụng cho năm 2020; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 30% mức thuế GTGT đối với DN, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) đối với DN tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020. Ông Nguyễn Quốc Hưng cho biết việc thực hiện các giải pháp đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỉ đồng.
Ngoài các giải pháp về giảm thuế nêu trên, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp giảm tiền thuê đất cho năm 2021. Theo ông Hưng, số tiền thuế, tiền thuê đất, tiền chậm nộp được hỗ trợ có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước nhưng sẽ có tác động lớn thể hiện sự đồng hành, quan tâm của nhà nước và góp phần hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, giúp họ tiếp tục hoạt động, đóng góp vào tiến trình khôi phục nền kinh tế sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng gói hỗ trợ tập trung vào giảm thuế là rất kịp thời để "trợ lực" cho DN. "Việc giảm thu nhập DN và một số sắc thuế khác sẽ góp phần giúp các DN có thêm nguồn lực tài chính, để phụ hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh rất khó khăn này" - ông Thịnh nhấn mạnh và cho rằng việc giảm thuế là hỗ trợ trực tiếp cho DN nhưng xét về đích đến cuối cùng là để duy trì sinh kế, việc làm cho người lao động.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng đánh giá cao các giải pháp mà Bộ Tài chính đang đề xuất khi đã không bỏ quên hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn. Theo ông, đây là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Ông Thịnh dẫn chứng ngay tại Hà Nội, hàng loạt cửa hàng kinh doanh đã đóng cửa từ đợt dịch năm 2020, đến nay vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Hàng loạt chi phí từ thuê mặt bằng, nhân viên trong khi kinh doanh ế ẩm buộc nhiều người phải rời khỏi thị trường.
Tuy vậy, theo phản ánh của một số DN, trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch, làm ăn không có lãi thì việc giảm 30% thuế thu nhập DN không có ý nghĩa nhiều. Đại diện Công ty CP Du lịch Thương mại và Đầu tư Hà Nội Hanotours mong muốn được giảm thuế GTGT và một số loại phí khác.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng thuế GTGT là gián thu, đối với lĩnh vực dịch, đặc biệt như du lịch, vận tải hành khách… nếu giảm thuế này sẽ giúp các DN giảm giá dịch vụ, góp phần khuyến khích, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy các ngành dịch vụ quay trở lại hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, chính sách này cần phải xem xét thời gian áp dụng phù hợp bởi khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thì các dịch vụ mới hoạt động trở lại bình thường được.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho biết "sức khỏe" của DN đang dần yếu đi. Trong bối cảnh cấp bách này, vị chuyên gia cho rằng quan trọng nhất là tốc độ thực thi các chính sách hỗ trợ để DN dễ dàng tiếp cận, cần thông thoáng hơn về thủ tục, nới lỏng hơn về điều kiện.