Theo đề xuất của Hiệp hội này, tiếp tục giữ trần 40% ( tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn) từ nay đến hết năm 2020 (thêm 06 tháng so với Dự thảo), tức đến hết 31/12/2020 thay vì đến hết 30/6/2020.
Trước đó, theo Dự thảo của NHNN, quy định: "Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau đây:
Phương án 1: a) Từ ngày tháng năm 2019 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020: 40%; b) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2021: 35%; c) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2021: 30%.
Phương án 2: a) Từ ngày tháng năm 2019 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020: 40%; b) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2021: 37%; c) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022: 34%; d) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022: 30%".
Lý do được HoREA đưa ra là bởi, hiện có nhiều doanh nghiệp chưa chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán và huy động vốn. Cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản, nhưng mới chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp niêm yết.
Hơn nữa số lượng quỹ đầu tư, quỹ tín thác BĐS (REITs) còn quá ít nên cũng chưa thực sự là kênh cung cấp vốn cho thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI vào BĐS hiện chiếm khoảng 21% tổng vốn FDI, cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN bất động sản.
Từ những nghiên cứu trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng Phương án 2 là phù hợp với tình hình thực tiễn hơn là Phương án 1, và kiến nghị giãn lộ trình thêm 6 tháng đối với tỷ lệ trần 40%.