Cục Hàng không vừa kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng chấp thuận giao UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan có thẩm quyền gọi vốn và ký hợp đồng BOT đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản. Theo định hướng quy hoạch sân bay giai đoạn tới (chờ phê duyệt), sân bay Nà Sản được đầu tư cho giai đoạn trước năm 2030, nhưng không sử dụng ngân sách trung ương, thay vào đó sẽ giao địa phương chủ động nguồn vốn và kêu gọi vốn xã hội hoá (do ngân sách ưu tiên làm sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Nội Bài và một số sân bay trọng điểm khác).
Cục Hàng không đề nghị UBND tỉnh Sơn La làm việc với Bộ Quốc phòng và các bộ ngành liên quan để xử lý tài sản quốc phòng, làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước để xử lý tài sản của Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) hiện có tại sân bay Nà Sản.
Sân bay Nà Sản được xây dựng vào năm 1950. Những năm 1960 sân bay này duy trì hoạt động nhưng sau một thời gian dừng khai thác do ít khách. Năm 1994, sân bay Nà Sản được khai thác trở lại, nhưng tới năm 2004 phải dừng vì đường băng xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác.
Hiện sân bay Nà Sản có đường băng băng dài 2,4km, nhà ga hành khách là một căn nhà cấp 4 đã xuống cấp.
Sân bay Nà Sản dự kiến được đầu tư nâng cấp để tái hoạt động trong giai đoạn từ này tới năm 2030, giao về địa phương triển khai.
Năm 2015, Cục Hàng không phối hợp với ACV và các đơn vị có liên quan lập dự án đầu tư nâng cấp Nà Sản, để khai thác được máy bay A321. Trong đó có mở rộng đường băng, đường lăn, sân đỗ, trang thiết bị khai thác ban đêm, nhà ga hành khách với công suất 900.000 khách/năm, với tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án chưa thể triển khai do không thu xếp được nguồn vốn.
Năm 2019, ACV tiếp tục đề xuất dự án xây dựng sân bay Nà Sản theo kế hoạch trên, với tổng vốn đầu tư dự kiến tăng lên hơn 2.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, Uỷ ban Quản lý vốn không thông qua do ACV khó thu xếp vốn.
Đầu năm nay, UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản trình Thủ tướng giao dự án này về cho địa phương kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Trước đó đã có một số doanh nghiệp trong nước quan tâm tới đầu tư dự án, như Công ty Him Lam Thủ đô, Tập đoàn FLC…
Theo Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn tới năm 2030 chỉ bổ sung đầu tư thêm 5 sân bay, gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Phan Thiết.
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao các địa phương nơi có quy hoạch sân bay mới huy động vốn, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện xây dựng. Chính phủ sẽ hoàn thiện các quy định để huy động vốn xã hội đầu tư sân bay, theo phương thức nhượng quyền đầu tư, khai thác.