Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Theo đề xuất, đây là gói tín dụng tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, chế xuất...giúp thực hiện mục tiêu kép: vừa đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm yếu thế là người thu nhập thấp, công nhân, vừa giúp kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025; Xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân).
Cần gói hỗ trợ người mua
Khi gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng kết thúc vào năm 2016, nhiều khách hàng không mặn mà với nhà ở xã hội. Vì vậy, nhiều dự án nhà ở xã hội rơi vào cảnh ế ẩm sau nhiều năm đưa ra thị trường.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một giám đốc doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội tại Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp đã triển khai 2 dự án nhà ở xã hội lớn tại Hà Nội từ năm 2011. Tuy nhiên, chủ đầu tư không được vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. “Theo tôi, gói hỗ trợ mới nên tập trung cho người dân vay, còn doanh nghiệp không cần vay. Bản thân doanh nghiệp năm 2015 làm nhà ở xã hội tại Hoàng Mai dù có gói 30.000 tỷ đồng cũng không có ý nghĩa, bởi hồ sơ vay của doanh nghiệp phải qua nhiều khâu thẩm định phức tạp. Nhà nước nên quan tâm tới người mua vào thời điểm này”, vị này nói.
Theo vị này, bản thân doanh nghiệp làm nhà ở xã hội không mặn mà với gói hỗ trợ, vì lợi nhuận của DN bị khống chế ở mức 10%. Thậm chí, trong một dự án nhà ở xã hội có phần căn hộ cho thuê và thuê mua phải 5 năm sau doanh nghiệp mới được hoàn vốn. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ xác định tạo việc làm cho công nhân và an sinh xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, trong giai đoạn 2015-2020 có rất ít người dân được vay tín dụng ưu đãi làm nhà ở xã hội do thiếu dự án nhà ở xã hội và do nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoặc cấp bù lãi suất quá chậm, quá ít. Ách tắc nguồn vốn chính là điểm nghẽn lớn nhất trong những năm qua, chậm bố trí nguồn vốn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo ông Châu, nguồn vốn mồi từ ngân sách nhà nước có vai trò rất quan trọng. Thời gian triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước kia đã cho thấy, với 1 đồng từ ngân sách cấp bù lãi suất, ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng từ nguồn vốn xã hội nên rất hiệu quả. Vì vậy, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng đang đề xuất không chỉ dành cho doanh nghiệp mà nên dành cho người mua nhà.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, khi nguồn vốn của các doanh nghiệp đang khó khăn, gói tín dụng hỗ trợ để phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân là rất tốt. “Gói này không chỉ bổ sung nguồn tiền, tạo động lực cho doanh nghiệp mà cần có chính sách để doanh nghiệp đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Điệp nói.
Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, cả nước đã có 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn. 278 dự án khác với quy mô khoảng 276.000 căn đang được triển khai. Trong đó, 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành, 100 dự án đang xây dựng.