Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Lao động, Thương binh và xã hội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu gói hỗ trợ và kích thích kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua nhận được đề xuất gói hỗ trợ và kích thích kinh tế theo nguyên tắc hỗ trợ người dân thông qua việc làm ngắn hạn, tạm thời với những việc không đòi hỏi kỹ năng (lao động phổ thông).
Theo đề xuất này, nguồn lực thực hiện gói hỗ trợ khoảng 23 ngàn tỉ đồng (tương đương 1 tỉ USD). Số tiền này sẽ được phân bổ xuống cấp xã thông qua các dự án phục vụ lợi ích cộng đồng, phúc lợi chung như làm đường dân sinh, dọn vệ sinh đường phố, làm sân chơi cho trẻ em, công trình thủy lợi đơn giản, trồng rừng hoặc trồng cây xanh cảnh quan.
Qua tính toán, hiện nay cả nước có hơn 10.600 xã, thì với tổng nguồn lực 23 ngàn tỉ đồng, mỗi xã sẽ được cấp khoảng 2 tỉ đồng (những xã, phường lớn hoặc mới sáp nhập có thể cao hơn). Với số tiền 2 tỉ đồng này, các xã sẽ triển khai dự án và thuê người lao động tại địa phương tham gia làm trực tiếp, sau đó trả tiền công cho họ.
Gói hỗ trợ cũng dựa trên nguyên tắc tiền được trả theo ngày với mức lương ngày theo lương tối thiểu vùng (vùng 2 khoảng 150 ngàn đồng/ngày). Gói này cũng sẽ ưu tiên sử dụng lao động là người thuộc diện hộ nghèo, người mất việc làm không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh đó, 70% ngân sách của gói là chi trực tiếp cho người lao động, các khoản chi khác như mua nguyên vật liệu và công tác quản lý không quá 30%. Thời hạn triển khai gói hỗ trợ này không quá 6 tháng, các xã không sử dụng hết sẽ nộp lại cho ngân sách.
Gói này cũng hướng đến phương thức triển khai đơn giản. Theo đó, các xã xây dựng danh mục dự án cộng đồng, phúc lợi chung, ước tính ngày công và chi phí đối với từng dự án, sau đó Hội đồng nhân dân xã sẽ họp thông qua. Tiếp theo, các xã sẽ công bố công khai nhu cầu sử dụng nhân lực, mức tiền công và phương thức trả công, triển khai để người dân đăng ký tham gia.
Theo đơn vị đề xuất, việc tổ chức thực hiện như trên đảm bảo thủ tục hành chính được cắt giảm, nguồn lực được chi trả đến tay người dân. Cạnh đó, số lượng người hưởng lợi trực tiếp cao, từ đó tạo tâm lý phấn khởi, tích cực trong hoạt động kinh tế. Tạo điều kiện để người gặp khó khăn không bị đẩy vào bước đường cùng dẫn đến các tệ nạn xã hội khác.