Bộ LĐ-TB&XH vừa gửi lấy ý kiến các bộ ngành, đại phương Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Dự thảo Quyết định này được xây dựng trên cơ sở triển khai Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hỗ trợ hàng tháng 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng với NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp. Điều kiện, NLĐ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm; đang ở trọ từ ngày 1/1 đến 30/6/2022; Có hợp đồng lao động ký trước ngày 1/1/2022; Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách đề nghị hỗ trợ.
Với NLĐ quay trở lại thị trường lao động, hỗ trợ hàng tháng 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện là NLĐ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm; ở nhà thuê, ở trọ trong thời gian từ ngày 1/1 đến 30/6/2022, có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên với thời điểm ký hợp đồng từ ngày 1/1 tới 30/6/2022; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp tại tháng liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ.
Công nhân đang thuê nhà trọ sẽ được hỗ trợ tối đa 3 tháng tiền nhà.
Hồ sơ gồm đơn đề nghị hỗ trợ của NLĐ (theo mẫu), doanh nghiệp tổng hợp và lập danh sách, công khai tại nơi làm việc trong thời gian tối thiểu 5 ngày (xác minh nếu có khiếu nại). Sau đó, doanh nghiệp gửi danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ tới cơ quan Bảo hiểm Xã hội để xác nhận đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp gửi về UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, nhà máy sản xuất… chậm nhất ngày 31/7/2022.
Trong thời gian 2 ngày làm việc, UBND cấp huyện duyệt và trình cấp tỉnh, trong 2 ngày làm việc UBND cấp tỉnh xét và ký quyết định hỗ trợ và cập nhật kết quả vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong 2 ngày khi nhận được kinh phí hỗ trợ, doanh nghiệp chi hỗ trợ cho NLĐ.
Tiền hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương, tổng kinh phí hỗ trợ tối đa dự kiến khoảng 6.600 tỷ đồng.
Nguyên tắc thực hiện hỗ trợ tiền thuê trọ là đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Không hỗ trợ với NLĐ không có đề nghị, người không thực hiện đúng các quy định pháp luật về hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mỗi NLĐ chỉ được hưởng hỗ trợ 1 lần trong 1 tháng và không quá 3 tháng.
NLĐ phải làm việc có hợp đồng, giao kết lao động và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội), nơi làm việc là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (theo quy định), hoặc vùng kinh tế trọng điểm.
Vùng kinh tế trọng điểm là vùng được thành lập theo các quyết định của Thủ tướng, gồm: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh); Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định); Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang); Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang).