Thông tin trên được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc chia sẻ tại toạ đàm về mở lại đường bay quốc tế an toàn diễn ra sáng 10/11, do Báo Giao thông tổ chức.
Ông Phúc cho biết, theo hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, sau nhập cảnh khách phải cách ly y tế 7 ngày. Tuy nhiên, quy định này không phải là ở trong phòng 7 ngày, mà trong thời gian này khách du lịch vẫn được tham gia các hoạt động tham quan, dịch vụ, đi lại theo diện khép kín, không tiếp xúc với người dân địa phương trong 7 ngày đầu. Sau đó có thể tham gia các hoạt động cộng đồng.
Với hộ chiếu vắc xin, theo ông Phúc, hiện cơ bản các nước đã công nhận lẫn nhau với mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng. Điều Việt Nam còn phải làm là giấy chứng nhận tiêm chủng trên các phần mềm điện tử, nên cần làm tiếp để thống nhất và công nhận lẫn nhau.
Ngoài ra, trong kế hoạch thí điểm của Bộ VH-TT&DL, đã quy định rõ về khả năng ứng phó với trường hợp khách vào Việt Nam mới phát bệnh hoặc nhiễm bệnh sẽ được điều trị ra sao. Theo hướng dẫn này, tất cả khách vào Việt Nam đều phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả tiền điều trị COVID-19 tại Việt Nam, với mức chi trả tối đa 50.000 USD.
Về hộ chiếu vắc xin, ông Trần Văn Phương, Trưởng phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) cho biết, tới nay, Việt Nam đã công nhận tạm thời mẫu giấy chứng nhận tiêm vắc xin, khỏi bệnh COVID-19 (hộ chiếu vắc xin) cho khách đi lại giữa các nước của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước này cũng công nhận mẫu chứng nhận tiêm vắc xin, khỏi bệnh COVID-19 của Việt Nam. Trong đó có nhiều nước là đối tác quan trọng về kinh tế và du lịch của Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, các nước châu Âu…
Thực tế, du học sinh, hay người lao động Việt Nam đi làm việc ở một số nước sau khi nhập cảnh nước bạn, có thể sử dụng giấy chứng nhận tiêm vắc xin của Việt Nam, hay đã khỏi bệnh COVID-19 để được các nước chấp thuận.
Theo ông Phương, mới công nhận hộ chiếu vắc xin tạm thời vì số lượng mẫu giấy chứng nhận khá lớn và có các mẫu khác nhau, sử dụng nhiều loại vắc xin khác nhau, nên các nước cần thời gian để đàm phán đi tới thống nhất. Quá trình đàm phán này đang thực hiện song song giữa Việt Nam với khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về công nhận chính thức hộ chiếu vắc xin, hiện Nhật Bản và Anh công nhận chính thức chứng nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/10/2021.
Phó Cục trưởng Hàng không (Bộ GTVT) Võ Huy Cường cho biết thêm, hiện các hãng hàng không, hành khách đều rất quan tâm tới hộ chiếu vắc xin, cần quy định rõ ràng để bên biết và thực hiện.
Điều quan trọng nhất, theo ông Cường, là các nước công nhận hộ chiếu vắc xin kỹ thuật số, trong đó có kèm các dữ liệu như kết quả xét nghiệm, đã khỏi bệnh, đã tiêm vắc xin đủ liều, loại vắc xin tiêm, thậm chí chỉ cần xét nghiệm có kháng thể là được công nhận…
Hiện Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (IATA) đã có phần mềm này, các hãng hàng không Việt Nam đang thí điểm… nhưng để sử dụng chính thức cần chính phủ các nước công nhận.
Từ các cơ sở kết quả phòng chống dịch bệnh, tiêm vắc xin trong nước, kinh nghiệm các nước, đại diện các đơn vị dự toạ đàm đều thống nhất quan điểm đã tới lúc thí điểm mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, đón khách quốc tế tới. Từ đó để rút kinh nghiệm cho các giai đoạn tiếp theo, kịp thời tận dụng cơ hội, khi tới nay Thái Lan, Singapore đã mở cửa đón khách rất nhiều nước tới không phải cách ly, trong đó có cả khách du lịch Việt Nam tới.
Theo kế hoạch Bộ GTVT trình Chính phủ về mở lại đường bay quốc tế thường lệ, dự kiến 2 tháng cuối năm nay sẽ mở thí điểm đón khách du lịch tới một số địa phương, các chuyến bay trọn gói có trả phí. Sau đó, từ tháng 1/2022 sẽ bắt đầu khai thác các đường bay quốc tế thường lệ.