Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cách tốt nhất để hạn chế những tiền lệ không tốt từ các cuộc đấu giá cao bất thường thì chế tài hữu hiệu nhất là cần đánh mạnh vào nghĩa vụ người tham gia đấu giá khi trúng cần có trách nhiệm bằng cách nâng trần tiền đặt trước cho phù hợp.
Theo ông Đính hiện nay có những lỗ hổng trong quy trình của việc đấu giá như việc thẩm định, xác định giá, đánh giá giá trị của các tài sản đấu giá hiện đang phục thuộc và giao quyền cho các tổ chức, cơ quan mang tính độc lập nhưng lại không được thẩm định bởi hội đồng đủ lớn, đủ mạnh để xác định chính xác các giá trị của đất đai.
"Các quy định phải hướng đến để vừa ngăn chặn, vừa hạn chế các hành vi trục lợi và tiêu cực trong hoạt động đấu giá”, ông Đính nói.
Theo ông Đính, để đấu giá đất diễn ra hiệu quả cần thành lập hội đồng thẩm định doanh nghiệp tham gia đấu như: năng lực tài chính, thực thi…
Lô đất Thủ Thiêm trúng giá 2,4 tỷ đồng/m2 nhưng sau Tân Hoàng Minh bỏ cọc.
Còn PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Việc đấu giá đất đai , tài sản công là phương pháp tốt nhất đảm bảo tính thị trường, tính công khai minh bạch cao nhất. Tuy nhiên, quá trình thực thi việc đấu giá cần có những thay đổi nhất định trong hoạt động từ khâu định giá cho đến các yếu tố liên quan”.
Theo PGS-TS Thịnh, trước hết, việc định giá tài sản phải mang ra xem xét, tính toán tương đối sát với thị trường để từ đó mức giá không chênh nhau quá lớn đến 7-8 lần như đấu giá đất Thủ Thiêm .
Thứ hai, trong quy định về đấu giá hiện yêu cầu sau 5 ngày ký hợp đồng mua bán, sau 30 ngày chủ thể phải nộp 50% giá trị tài sản sau khi đã thắng đấu giá và sau 60 ngày thì thanh toán toàn bộ. Thời gian này cần xem xét lại cho phù hợp.
Thứ ba, mức đặt cọc hiện nay là 20%. Trong quy định nếu bỏ cọc thì chỉ mất tiền cọc có thể là ít so với tổng mức tài sản nên xem xét nâng lên.
“Ngoài ra chúng ta phải có quy định về năng lực tài chính của người tham gia đấu giá. Không thể để doanh nghiệp chỉ có 100-200 tỷ vốn tự có lại có thể tham gia đấu giá tài sản hàng nghìn tỷ. Nếu doanh nghiệp nào đó đã có lịch sử về bỏ thầu phải bị tính điểm trừ trong quá trình tham gia vào đấu thầu các tài sản tiếp theo”, PGS-TS Thịnh nói.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng đang tổng hợp báo cáo thị trường bất động sản trong đó có liên quan đến vụ đấu giá đất Thủ Thiêm xôn xao dư luận vừa qua.
Trước đó giá đất tại Thủ Thiêm và Thủ Đức được đẩy lên tăng mạnh sau khi xuất hiện cuộc đấu giá lên đến 2,4 tỉ đồng/m2.
Ngày 10/12/2021, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt) - thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá ô đất có diện tích 10.060m2 tại Thủ Thiêm với giá 24.500 tỉ đồng (2,45 tỉ đồng/m2). Đơn vị trả giá thứ 2 là một công ty nước ngoài đặt giá 23.800 tỉ đồng. Đây là mức giá cao ngoài dự kiến của Tập đoàn Tân Hoàng Minh khi tham gia đấu giá.
Tuy nhiên, đến ngày 11/1, Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát ra thông cáo chính thức về việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm. Nguyên nhân doanh nghiệp này lý giải là do sau khi trúng đấu giá, lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt; đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua. Tân Hoàng Minh cho rằng, việc trúng đấu giá với kết quả trên có thể dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.