Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 từng gây nhiều tranh cãi khi không cho phép người lao động nghỉ việc và dừng đóng BHXH 12 tháng trở lên được hưởng BHXH một lần . Chỉ khi tới tuổi nghỉ hưu, nếu không đủ điều kiện nhận lương hưu mới được hưởng BHXH một lần.
Sau đó, khi có nhiều ý của người lao động, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 93/2015/QH13 về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần. Trong đó, nghị quyết tiếp tục cho phép người lao động hưởng chế độ BHXH một lần khi nghỉ việc và dừng đóng từ 12 tháng trở lên. Mức hưởng cho mỗi năm đóng bằng 1,5 tháng lương tính đóng BHXH với thời gian đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng lương cho những năm đóng sau năm 2014.
Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung nhóm người lao động nghỉ việc và dừng đóng BHXH được hưởng BHXH một lần. Với điều kiện, sau 12 tháng không đóng BHXH, không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Bổ sung thêm người mắc những bệnh nguy hiểm tới tính mạng (không trong danh mục bệnh hiểm nghèo do Bộ Y tế ban hành) cũng được hưởng BHXH một lần.
Về mức hưởng BHXH một lần, dự luật đưa ra 2 phương án:
Phương án 1 , giữ mức hưởng như luật hiện hành, tức mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 được tính hưởng bằng 1,5 tháng lương đóng, mỗi năm đóng sau năm 2014 được tính bằng 2 tháng lương đóng.
Phương án 2 , với người hưởng BHXH một lần vì lý do ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nguy hiểm tính mạng vẫn được tính mức hưởng như phương án 1.
Tuy nhiên, trường hợp nghỉ việc không đóng BHXH sau 12 tháng nếu hưởng BHXH một lần sẽ chỉ được hưởng bằng 1 tháng lương cho mỗi năm đóng. Số tiền đóng BHXH còn lại được bảo lưu để hưởng khi tới tuổi nghỉ hưu. Khi tới tuổi nghỉ hưu, với số tiền BHXH đang bảo lưu, người lao động có thể đóng một lần cho số năm còn thiếu để nhận lương hưu; hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng cho tới khi đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội (nhận khi đủ tuổi nghỉ hưu tới năm 80 tuổi); hoặc nhận BHXH một lần phần còn lại.
Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần, chỉ được nhận phần mình đóng, không gồm phần ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Đề xuất sửa luật để người lao động bảo lưu một phần hoặc toàn bộ tiền đóng BHXH thay vì nhận BHXH một lần, nhằm đảm bảo an sinh lúc hết tuổi lao động (Ảnh minh họa).
Như vậy, nếu theo phương án 1 kể trên của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, về cơ bản là đưa nội dung Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội vào luật (tương tự quy định hiện hành).
Nếu phương án 2 kể trên được chọn, người lao động nghỉ việc và không đóng BHXH sau 12 tháng, khi hưởng BHXH một lần sẽ chỉ được nhận phần tiền mình đóng. Riêng phần đơn vị sử dụng lao động cùng đóng chưa được nhận ngay, nhưng được bảo lưu để tính dồn nếu người lao động sau đó tiếp tục đóng BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện; hoặc nhận khi tới tuổi nghỉ hưu.
Cùng với đó, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng đề xuất quy định điều kiện nhận lương hưu từ tối thiểu 20 năm đóng BHXH giảm còn 15 năm. Giải pháp này nhằm tạo điều kiện cho người lao động dễ tiếp cận hơn với chính sách lương hưu, thay vì hưởng BHXH một lần.
Theo kế hoạch dự kiến, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua năm 2024, có hiệu lực áp dụng từ năm 2025.