Trả lời Báo điện tử VTC News , ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, ở bậc 1-2 người sử dụng điện sẽ có lợi, vì giá ngang bằng với những bậc đầu tiên của giá 6 bậc trước đây. Ở những bậc giữa 3-4, giá vẫn tương đương với cách tính trước đây. Chỉ có ở bậc cuối giá điện sẽ cao hơn, tức là người sử dụng nhiều điện sẽ phải chi trả cao hơn.
“Với người sử dụng từ 400 kW trở xuống, giá sẽ giảm hơn vài chục nghìn mỗi hoá đơn. Còn những người sử dụng nhiều, giá sẽ tăng hơn trong hóa đơn tính tiền điện. Tuy nhiên việc rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc sẽ giúp người dân sử dụng điện tiết kiệm hơn. Giá sẽ quyết định hành vi nên việc người dân tiết kiệm điện là rất tốt cho ngành điện lực trong bối cảnh vẫn dự báo thiếu điện hiện nay”, ông Dũng nói.
Còn ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng cho rằng, việc giảm số bậc tính giá điện là cần thiết nhằm giảm bớt sự phức tạp, còn cách tính giá điện trung bình cơ bản không thay đổi, vì tổng phụ tải không thay đổi và tổng doanh thu tiền điện cho EVN cũng không thay đổi.
“Tuy nhiên trong từng hộ gia đình cụ thể sẽ có sự thay đổi theo chỉ số kW sử dụng điện. Theo đó, nếu dùng với chỉ số từ 400kW trở xuống, hóa đơn có thể sẽ giảm vài chục nghìn, nếu sử dụng số kW cao hơn, giá sẽ tăng hơn”, ông Vũ nói.
Đồng tình với đề xuất rút gọn bậc thang tính giá điện , PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, ở mức giá điện 6 bậc như hiện nay thì bậc 1 với chỉ số tính giá điện ở mức tiêu thụ 50kW rất thừa thãi. “ Bây giờ hầu như không còn gia đình nào sử dụng điện ở mức 50kW nữa. Do vậy, bậc 50kW là không cần thiết, việc tính toán thêm phức tạp, vì thế nên bỏ đi để phù hợp với thực tiễn. Thay đổi này có thể là bước đầu tiên trong việc hướng tới một hệ thống giá điện hợp lý hơn, phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh trong tương lai ", ông Thịnh nêu quan điểm.
Dự báo về tác động đến người tiêu dùng , ông Thịnh cho biết, nếu mức giá điện triển khai ở 5 bậc thì người dùng ở chỉ số thấp thì số tiền sẽ giảm đi, còn những gia đình sử dụng từ trên 400kW trở lên hoá đơn tính tiền điện sẽ cao hơn.
TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng cũng cho rằng, về bản chất, việc Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc là việc rất tốt, giúp giảm bớt các bậc và tính toán phức tạp, góp phần vào tiết kiệm điện và sẽ không ảnh hưởng đến người sử dụng ít, thậm chí những người sử dụng ít còn có lợi.
“Việc áp dụng biểu giá điện bậc thang là xu hướng chung của thế giới và cần thiết nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội”, ông Kiệt nói.
Với đề xuất điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương, hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt trên 400 kWh sẽ đối diện với hóa đơn tiền điện tăng. Tuy nhiên, hộ sử dụng điện tiết kiệm dưới 400 kWh thì lại có lợi.
Cụ thể, bậc 1 thang giá điện 5 bậc theo đề xuất của Bộ Công Thương, lượng điện sử dụng của hộ dân là 0-100kWh, nới thêm 50kWh so với điện 6 bậc hiện hành, đơn giá chỉ là 1.892,8 đồng/ kWh.
Mức 0-100kWh ở thang điện 5 bậc đề xuất, thực chất là cộng gộp 2 bậc thang giá điện 1, 2 của điện 6 bậc hiện hành. Trong, bậc điện 2, hộ sử dụng điện từ 51-100kWh sẽ phải chịu đơn giá điện 1.956 đồng/ kWh.
Với đề xuất rút ngắn 2 bậc điện thành 1 bậc (0-100kWh) mà vẫn giữ nguyên giá điện bậc 1 là 1892,8 đồng/kWh, hộ sử dụng điện từ kWh thứ 51 đến kWh thứ 100 sẽ lợi 63,2 đồng/ mỗi kWh.
Đối với hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh/tháng, đơn giá điện theo đề xuất mới là 2.271,36 đồng/ kWh cho 100kWh. Đơn giá điện này đơn giá điện bậc 3 thang 6 bậc hiện hành, không thay đổi.
Ở điện bậc 3, thang 5 bậc đề xuất, hộ sử dụng điện 201-400 kWh, đơn giá được áp dụng là 2.860,2 đồng/kWh cho toàn bộ 200kWh. Đơn giá này cũng có lợi cho hộ sử dụng so với 6 bậc thang giá điện hiện hành.
Cụ thể, tại bậc thang điện 6 bậc hiện hành, hộ sử dụng điện từ kWh 201 đến kWh 300 sẽ chịu đơn giá 2.860 đồng/ kWh. Tuy nhiên, từ kWh thứ 301 đến kWh 400, họ sẽ phải chịu đơn giá 3.197 đồng/ kWh.
Trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc.
Theo đó, 5 bậc thang tính giá điện mới dự kiến bao gồm bậc 1 là 100kWh đầu tiên; bậc 2 là 101-200kWh tiếp theo; bậc 3 là 201-400kWh tiếp theo; bậc 4 là 401-700kWh tiếp theo và bậc 5 từ 701kWh trở lên.
Với phương án đề xuất này, bậc có giá thấp nhất cho hộ gia đình dùng là 100kWh trở xuống, thay vì 50kWh như hiện nay, còn bậc cao nhất tính từ 701kWh trở lên.
Cơ cấu giá điện bậc thang tính theo giá bán lẻ điện bình quân (2.006,79 đồng/kWh) lần lượt là 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 136% (bậc 3), 162% (bậc 4) và 180% (bậc 5).
Như vậy, giá thấp nhất là bậc 1 vẫn giữ nguyên 1.893 đồng/kWh và cao nhất là bậc 5 là 3.786 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế VAT.
Đáng chú ý, giá điện bậc 5 đề xuất tăng cao nhất đối với hộ sử dụng điện trên 701kWh/tháng lên mức 3.785,6 đồng/ kWh, tăng gần 600 đồng/ kWh so với bậc 5 hiện hành và so với giá điện cao nhất bậc 6 hiện hành, điện bậc 5 đề xuất điều chỉnh cao hơn 483 đồng/ kWh.