Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra chiều 5/12, một loạt các khuyến nghị chính sách đã được các chuyên gia đưa gia nhằm giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Đáng chú ý, trong các khuyến nghị này có đề xuất xem xét việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua trái phiếu Chính phủ của TS. Trương Văn Phước, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Ông Phước cho rằng chính sách tiền tệ có thể hỗ trợ chính sách tài khóa để có nguồn lực tài chính trong các gói kích thích, hỗ trợ. Với xu hướng lãi suất quốc tế đang tăng dần, nên việc vay nợ nước ngoài chưa thật phù hợp thì nguồn tài chính chủ yếu là vay nợ trong nước.
Tham khảo kinh nghiệm các nước về việc NHTW vừa mua trực tiếp Trái phiếu Kho bạc vừa tiến hành hoạt động Repo (mua đi, bán lại trái phiếu), ông Phước đề xuất NHNN xem xét việc mua Trái phiếu Chính phủ, vừa là hành động hỗ trợ Ngân sách Nhà nước vừa nắm công cụ để điều hành chính sách tiền tệ: Bơm tiền (mua TPCP), Hút tiền (bán TPCP) cho các tổ chức tín dụng.
TS. Trương Văn Phước, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Theo ông Phước, NHNN vừa có thể mua trực tiếp trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp hoặc mua gián tiếp trên thị trường thứ cấp thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Thứ nhất, điều này giúp hỗ trợ ngân sách phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, sẽ bơm thanh khoản vào thị trường giúp các ngân hàng mạnh dạn mua vào bán ra.
"Quan trọng hơn, NHNN có thể kiểm soát được cung tiền một cách rất tinh vi, rất chính xác, rất kịp thời do đó giúp kiểm soát được lạm phát’’, ông Phước nhấn mạnh.
Ý kiến của vị chuyên gia này cũng tương tự với nội dung được đề cập trong khuyến nghị của nhóm chuyên gia và Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc Hội. Theo đó, nhóm chuyên gia gợi ý cho phép NHTW mua trái phiếu Chính phủ để đáp ứng nhu cầu chi y tế, bảo trợ xã hội là một trong những kinh nghiệm tham khảo quốc tế về các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.
Đề xuất trên khiến nhiều người liên tưởng tới các gói nới lỏng định lượng (QE) mà các ngân hàng trung ương Mỹ hay Nhật Bản đang áp dụng.
Còn nhớ 13 năm về trước, khi nước Mỹ chìm sâu vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Đứng trước tình hình đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã lần đầu tiên phải tung ra các gói QE để vực dậy nền kinh tế trong suốt giai đoạn khủng hoảng vào giữa năm 2008.
Theo đó, dù đã giảm lãi suất liên ngân hàng (Fed fund rates) mục tiêu – lãi suất tính trên các khoản vay giữa các ngân hàng thương mại – đã rất gần với mức 0%, Fed vẫn tiếp tục thực hiện các động thái chưa từng có tiền lệ để hạ lãi suất thêm nữa.
Cụ thể, Fed tung ra các gói QE, mua hàng ngàn tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Kết quả, bảng cân đối kế toán của NHTW Mỹ đã mở rộng mạnh mẽ từ mức hơn 900 tỷ USD vào giữa năm 2008 lên gần 8.700 tỷ ở thời điểm hiện nay.
Bảng cân đối kế toán của Fed không ngừng mở rộng trong các năm gần đây. (Nguồn: www.federalreserve.gov)
Quay trở lại Việt Nam, thống kê của người viết cho thấy NHNN chưa từng áp dụng biện pháp mua trái phiếu chính phủ cả theo phương thức trực tiếp hay thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong những năm gần đây. Đơn vị này chỉ mua – bán repo tín phiếu phiếu kho bạc với các ngân hàng thương mại nhằm tác động ngắn hạn vào nguồn vốn khả dụng của các nhà băng.
Thời gian gần đây, các nghiệp vụ thị trường mở gần như không được NHNN sử dụng trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng luôn duy trì ở mức dồi dào. Kết quả, lượng tín phiếu lưu hành liên tục duy trì ở mức 0 trong một thời gian dài.
Nguồn: BVSC