Theo đó, nếu những đề xuất này được thông qua, một số điều kiện áp dụng đối với doanh nghiệp, người lao động được bỏ bớt hoặc đơn giản hoá; sẽ mở rộng thêm được các đối tượng được thụ hưởng gói 62.000 tỷ đồng .
Nhận định về những kiến nghị sửa đổi lần này, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Hiệp hội các doanh nghiệp hoàn toàn đồng tình, hưởng ứng việc Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đề xuất nới lỏng các điều kiện áp dụng, để gói 62.000 tỷ được đi sâu vào thực tiễn. Bởi gói này áp dụng vào thực tiễn lần 1 chưa hiệu quả, mất nhiều bước, thủ tục, quy trình.
Chỉ có 20% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ các gói hỗ trợ trong đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: Dân Trí.
Theo thống kê và khảo sát chưa đầy đủ từ VCCI, chỉ có 20% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ các gói hỗ trợ trong đại dịch COVID-19. Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, đến 10/6, chỉ có 418 người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương được nhận khoản hỗ trợ nằm trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Đây là một ví dụ cho thấy, gói hỗ trợ này còn đang xa cách với những đối tượng người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Cần cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục, bỏ bớt điều kiện hơn nữa nếu tiếp tục gói này.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nới lỏng các điều kiện để hỗ trợ là đúng bởi vì đợt thứ nhất điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chặt chẽ quá, doanh nghiệp và người lao động không tiếp cận được.
Do đó, hiệu lực của hỗ trợ đó không thành công. Tuy nhiên, nhận định về những đề nghị đợt 2, ông cho rằng vẫn còn chưa đảm bảo, chưa giải quyết được nhiều, còn nhiều rào cản mà doanh nghiệp và người lao động chưa tiếp cận được.
Lấy gói cho vay trả lương người lao động làm ví dụ, ông Thân cho rằng, điều kiện cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động đợt 1 qui định là "đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động".
Thời gian lao động ngừng việc được hỗ trợ "trong khoảng tính từ tháng 4 đến tháng 12/2020" (trước đó từ tháng 4 đến tháng 6/2020) để tiếp tục hỗ trợ người sử dụng lao động đến hết năm 2020 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ cho vay vẫn không quá 3 tháng. Ông Thân khẳng định các quy định quá rối và khó chứng minh.
Các quy định còn quá rắc rối khiến người dân khó chứng minh để nhận trợ cấp. Ảnh minh hoạ: Dân Trí.
Việc Bộ LĐ-TBXH đề xuất sửa điều kiện khó khăn về tài chính, "Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019".
Việc sửa này nhằm cụ thể hóa tiêu chí xét duyệt hồ sơ cho DN, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội. Theo ông Thân, những sửa đổi nêu trên đã dễ hơn rất nhiều, tuy vẫn còn phức tạp, hoàn toàn có thể giao việc kiểm soát an toàn vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, và chỉ ra một tiêu chí về doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ thôi.
"Muốn bỏ bớt điều kiện nhưng có 16.000 tỷ thôi, chúng ta tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tổng cộng có khoảng 800.000 doanh nghiệp, nếu có 16.000 tỷ bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chúng ta nên cho họ vay trước", ông Thân chia sẻ.
Cần bổ sung hỗ trợ thêm cho đối tượng lao động phi chính thức, lao động tự do, chiếm phần khá lớn khoảng 27 triệu người và bị tổn thương nặng nề do COVID-19. Ảnh minh hoạ: Dân Trí.
Theo chuyên gia Kinh tế trưởng ông Cấn Văn Lực, thống kê sơ bộ đến hết tháng 7 về kết quả đợt triển khai lần 1 gói 62.000 tỷ đồng: mức độ bao phủ thấp; số đơn nhận được tương đương với khoảng 30% giá trị của gói, còn số tiền thực tế giải ngân khoảng 12.000 tỷ, tương đương khoảng 20%.
"Với gói đợt 2, quy mô dự tính từ Bộ LĐ TB&XH khoảng 18.600 tỷ bổ sung thêm, tôi cho rằng về cơ bản đã thể hiện nỗ lực của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, rõ ràng độ bao phủ còn tương đối hạn chế", ông Lực nhấn mạnh.
Ông Lực cho rằng cần quyết liệt giải ngân gói hỗ trợ này để kích thích nền kinh tế. Ngoài ra đề xuất bổ sung hỗ trợ thêm cho đối tượng lao động phi chính thức, lao động tự do, chiếm phần khá lớn khoảng 27 triệu người và bị tổn thương nặng nề do COVID-19.