Để tránh “vết xe đổ” đấu giá đất ở Thủ Thiêm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất phương án người đấu giá đất phải nộp tiền trong thời hạn 10 ngày, thay vì 90 ngày như quy định hiện hành. Quy định kéo dài đến 90 ngày dẫn đến doanh nghiệp trúng đấu giá đất có thời gian "thổi giá" các khu đất liền kề hoặc bỏ cọc tiền trúng đấu giá đất sau khi đã lũng đoạn thị trường.
Cùng với, tiền đặt trước, đặt cọc cũng được xem xét tăng lên so với mức 5-10% như hiện tại, đơn vị đấu giá phải chứng minh tài chính thông qua thẩm định của cơ quan có trách nhiệm.
Theo bộ trưởng, một vấn đề quan trọng là phải hoàn thiện phương pháp định giá, đấu giá. Hiện những vấn đề về đất đai đang được quy định bởi 4-5 luật, và phải được quy định đồng bộ trong một bộ luật.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, trong nhiều trường hợp chính sách đưa ra để thị trường vận hành hiệu quả thì công cụ hành chính, kể cả hình sự lại chưa hợp lý. Tuy nhiên, vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm theo ông cần điều tra, nếu có hành vi rõ mới có thể xử lý hình sự.
"Câu chuyện sắp tới là làm thế nào để không xảy ra tình trạng đấu giá đúng thủ tục nhưng kết quả lại sai, làm ảnh hưởng nhiều bên. Vấn đề này phải xử lý bằng công nghệ, quy trình, bổ sung chế tài xử phạt, đặc biệt là cần đánh mạnh vào kinh tế và tài chính để hạn chế tình trạng bất thường trong đấu giá", ông Hà nói.
Cũng liên quan đến vấn đề đấu giá đất, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng việc đấu giá tài sản là câu chuyện giao dịch, mua bán rất bình thường trong nền kinh tế thị trường. Nhiều nước có truyền thống bán đấu giá từ hàng trăm năm. Việt Nam thì có quy định đấu giá từ năm 1996, khi Chính phủ ban hành Nghị định về quy chế đấu giá tài sản.
So sánh quy định Việt Nam với các nước có một số khác biệt. Đơn cử, chỉ Việt Nam và Trung Quốc có luật về đấu giá tài sản, còn các nước khác theo luật dân sự chứ không có quy định riêng, giá khởi điểm do các bên thỏa thuận...
Về tiền đặt trước khi tham gia đấu giá, sau chuyển thành tiền đặt cọc, trung bình các nước 5-25% giá khởi điểm. Việc chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thành cũng không nước nào có quy định cụ thể, bởi nguyên tắc đấu giá là dân sự và thu được càng nhiều tiền càng tốt. Ông Long dẫn chứng, một cặp dưa lưới ở Nhật có thể được đấu giá lên đến một tỷ đồng (quy đổi ra tiền Việt Nam). Một bức tranh có thể được đấu giá hàng triệu USD.
Đấu giá tại Việt Nam hiện quy định bởi nhiều luật, liên quan đến nhiều cơ quan. Luật Đấu giá quy định trình tự, thủ tục. Nhưng liên quan đến tài sản nào lại là luật chuyên ngành đó. Nếu vi phạm về đấu giá có các chế tài như xử lý dân sự, hành chính, hình sự. "Những vụ vừa rồi xảy ra, có thể áp dụng quy định về tình trạng nâng giá có dụng ý và tội đầu cơ", ông Long nói và cho rằng cần đồng bộ hóa các quy định về đấu giá.
Trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm, nếu phân tích một cách bình thường thì theo cơ chế thị trường. Nếu phát hiện dấu hiệu bất bình thường mà chứng minh được thì cần xử lý. Vì vậy, cần rà soát vấn đề về trình tự, thủ tục đấu giá đảm bảo chặt chẽ; rà soát khung liên quan tiền đặt cọc, phí... về đấu giá đất đai.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh cần siết lại các quy định về đấu giá đất để đảm bảo đấu giá chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, phải xác định nhà đầu tư, tăng tiền đặt cọc và gửi ở tài khoản của Hội đồng đấu giá quản lý. Trường hợp doanh nghiệp bỏ cọc thì tiền này không được rút lại; thời gian nộp tiền đặt cọc cần ngắn hơn. Cam kết thực hiện mục tiêu đấu giá cũng cần quy định chặt chẽ hơn, tránh đấu giá xong thì nhà đầu tư "om" đất không đầu tư sử dụng, lãng phí.
Về giá khởi điểm đấu giá đất, Bộ trưởng Tài chính cho rằng cần sửa đổi, nếu không việc xác định giá đất đấu giá vẫn không chính xác, không nhất quán. Theo Nghị định 44 và Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 5 phương pháp xác định giá đất là so sánh, thặng dư, chiết khấu, thu nhập và số. Nhưng với dự án đầu tư mới sử dụng 3 phương pháp xác định giá là thặng dư, bảng giá đất, so sánh. "Nếu lấy giá giả định, doanh thu giả định để tính giá thì không chính xác nên cần phải sửa", ông nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn luật. Trong đó, chú trọng đến các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi; đặc biệt là quy định điều kiện tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá; việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường.
"Phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. Cần tăng cường thanh kiểm tra kiểm tra xử nghiêm vi phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự và quan hệ hành chính", ông Huệ nhấn mạnh.