Cần để khách hàng, thị trường quyết định
Anh Trần Hoàn., lái xe của một hãng xe công nghệ cho rằng, việc Bộ GTVT nói sẽ đưa mô hình xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab vào diện quản lý và hoạt động giống như taxi truyền thống nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như tài xế là để cạnh tranh công bằng với taxi truyền thống không hiểu là quan điểm từ đâu ra. Thực tế từ khi hoạt động thí điểm chính thức tại Việt Nam đến nay, khách hàng đã luôn ủng hộ mô hình xe hợp đồng điện tử vì sự tiện lợi và hiệu quả mà dịch vụ này mang lại. Bằng chứng là lượng khách đi xe tăng rất nhanh, số người tham gia dịch vụ ngày càng nhiều hơn.
“Giờ làm khảo sát thì cánh tài xế, chủ xe như chúng tôi cũng trả lời luôn là không hề muốn quay về hoạt động như taxi truyền thống. Khách hàng đi xe không kêu ca, tài xế, chủ xe không kêu ca thì dựa vào đâu cơ quan quản lý nói làm như vậy để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và tài xế. Có thật là bảo vệ quyền lợi của chúng tôi hay bảo vệ quyền lợi cho một bên thứ ba nào khác”, anh Hoàn nói.
Tham gia chạy Grab để kiếm thêm mỗi khi rảnh rỗi hơn 2 năm, lái xe Nguyễn Văn Hoàng thuộc Câu lạc bộ Grab Sài Gòn cũng cho hay bản thân anh là một cán bộ của một doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản và cũng là khách hàng dùng Grab nên rất hiểu những lợi ích mà taxi công nghệ mang lại.
Theo anh Hoàng, việc taxi truyền thống đổ lỗi xe Uber, Grab tăng nhanh gây ùn tắc tại các đô thị lớn là không có căn cứ thực tiễn vì khách hàng không đi bằng phương tiện của hãng taxi này thì cũng sẽ di chuyển bằng xe của một đơn vị khác. Vì vậy số lượng xe di chuyển trên đường là không đổi. Chưa kể nếu không chạy taxi công nghệ thì các xe này cũng không biến mất. “Cũng có một bộ phận mua xe để chuyên kinh doanh taxi công nghệ nhưng ở góc độ quản lý, chúng ta không thể dựa vào một bộ phận để quản lý tất cả và triệt tiêu tất cả những ưu điểm của một vấn đề”, anh Hoàng chia sẻ.
Cần ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh
Đánh giá đề xuất của Bộ GTVT về việc sẽ quản lý Uber, Grab như taxi, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chính sách quản lý vận tải mới nhìn từ phía quản lý chứ không nhìn từ phía cầu. Nhiều nội dung tại dự thảo cũng vẫn thể hiện tư duy quản lý theo cách cấm đoán hoặc hạn chế quyền kinh doanh của một số loại hình doanh nghiệp trong khi bảo hộ cho một số loại hình khác như doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải.
“Đó là hành vi phản cạnh tranh, đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng bởi đáng ra họ phải được tự do chọn lựa và sử dụng những phương thức kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của mình. Mặt khác, cấm đoán hoặc hạn chế sử dụng các công cụ điện tử cũng đi ngược lại chủ trương của Nhà nước về khuyến khích ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, bà Phạm Chi Lan nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cơ quan quản lý không nên vì chưa định danh được mô hình mà không tạo điều kiện cho Uber, Grab hoạt động. Tạo môi trường cạnh tranh thật bình đẳng, không vì taxi truyền thống lạc hậu, không thay đổi mà lại quản lý như nhau. Làm sao vừa đảm bảo đáp ứng công nghệ hiện đại, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và vừa phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng”, ông Ngô Trí Long nói. Cũng theo chuyên gia này, quản lý Grab và Uber như taxi truyền thống là rất bất hợp lý, không đảm bảo môi trường bình đẳng; không phát triển được loại hình vận tải áp dụng công nghệ mới.
Phản hồi về việc cơ quan quản lý muốn quản Uber, Grab như taxi, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho rằng, việc định danh Grab là công ty taxi không chỉ phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0.
"Lợi thế của nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ hoàn toàn biến mất nếu chúng tôi bị buộc phải áp dụng mô hình kinh doanh của các công ty taxi. Chúng tôi đang xây dựng cả một hệ sinh thái kết nối hàng loạt dịch vụ cho khách hàng, từ giao thông, giao nhận thức ăn, logistics cho đến ví điện tử giúp khách hàng có thể thanh toán cho các nhu cầu hàng ngày, ngoài nhu cầu di chuyển", ông Jerry Lim nói.