Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất vừa mới cho biết, sau khi kiểm tra hoạt động tại đường băng cất hạ cánh máy bay, đường CHC 25R/07L đã phát hiện tình trạng rạn, nứt bong bật bê tông nhựa ngày càng tăng. Tình trạng rạn nứt này là rất nghiêm trọng, đặc biệt, tại khu vực đầu đường cất hạ cánh xuất hiện tình trạng lún bề mặt bê tông nhựa với diện tích lớn, đọng nước sau khi trời mưa tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay.
Đề xuất sân bay Tân Sơn Nhất "đóng cửa" một đường băng.
Nhằm đảm bảo an toàn hoạt động khai thác bay, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét chấp thuận cho Cảng này tạm ngừng khai thác đường cất hạ cánh 25R/07L tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để tiến hành sửa chữa, tẩy vệt cao su, sơn bảo trì tín hiệu, đo ma sát, seo cỏ; Kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị phục vụ bay. Dự kiến, đường băng này sẽ đóng cửa từ 12h đêm đến 7h sáng hàng ngày trong khoảng thời gian từ 27/2/2020 đến ngày 9/3/2020.
Được biết, việc sửa chữa duy tu đường băng cất hạ cánh tại CHK Tân Sơn Nhất đã từng được Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) gửi văn bản tới Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc ACV thường xuyên phải thực hiện duy tu, sửa chữa nhỏ để đảm bảo an toàn khai thác theo nguyên tắc hỏng đâu sửa đó. Hàng tuần, ACV đều phải có báo cáo Cục Hàng không VN về tình hình của 2 đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Trước đó, năm 2019, Bộ GTVT đã có văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký ngày 10/9 nêu rõ đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang xảy ra tình trạng xô dịch, gãy vỡ, hằn lún mặt đường, nứt vỡ bê tông... có nguy cơ gây mất an toàn khai thác bay.
Trong bối cảnh hai sân bay đang phải chịu sức ép rất lớn do nhu cầu vận tải tăng cao, khai thác vượt tần suất thiết kế, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định phương án sử dụng 10% vốn dự phòng đầu tư công trung hạn để triển khai ngay việc cải tạo, nâng cấp đường băng.
Từ đầu năm 2018, Bộ đã liên tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng đầu tư nâng cấp 2 đường băng theo 3 phương án: Sử dụng vốn từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 hoặc sử dụng vốn ACV và dùng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện.
Dự kiến, việc sửa chữa, nâng cấp hai đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất cần 4.500 tỷ đồng. Bộ GTVT từng đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng 4.200 tỷ đồng của ACV để đầu tư, sửa chữa nhưng chưa được chấp thuận.
Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, Chính phủ chỉ có thể bố trí tiền cho các dự án đầu tư công từ nguồn 10% vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, phương án Bộ KH&ĐT trình Chính phủ mới chỉ dự kiến bố trí cho Bộ GTVT vốn để giải quyết 2 phần việc là trả nợ các dự án BT và đầu tư các dự án giao thông đường bộ cấp bách (chưa đề xuất việc bố trí vốn để sửa chữa đường băng).