Nhiều ý kiến đề xuất phát triển loại hình nhà giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp thực sự gây bất ngờ tại hội thảo “Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều - cung ít, vì sao?”
Đề xuất nhà nước “trích % GDP cho phát triển nhà ở”, không nên hỗ trợ lãi suất đối với dự án nhà ở giá thấp… là những ý kiến khá “sốc” đối với việc phát triển phân khúc nhà giá rẻ, nhà cho người thu nhập thấp. |
Đáng chú ý, ông Đinh Quốc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mường Thanh cho rằng, nhà nước nên nghiên cứu phương án trích % GDP cho việc phát triển nhà ở. Tương tự như quy định % dành cho nghiên cứu khoa học (ví dụ 0,5% - 1% GDP) hoặc dành ngân sách nhà nước cố định 5 năm, hàng năm cho phát triển nhà ở (cả ngân sách nhà nước trung ương và ngân sách nhà nước địa phương).
Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Mường Thanh cũng đề xuất nhà nước cần điều chỉnh hệ số sử dụng đất. Theo Tập đoàn này, để phù hợp tiêu chí giá rẻ, nhiều chủ đầu tư đã linh động “gọt” diện tích căn hộ nhằm đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của nhiều người mua hơn. Xu hướng này có lợi thế tạo thêm nguồn cung vốn đang thiếu ở phân khúc nhà giá rẻ. Do đó, chính quyền cần linh động trong việc điều chỉnh hệ số sử dụng đất, đặc biệt ưu tiên việc tăng hệ số sử dụng đất đối với những khu vực đô thị mới, có hạ tầng đồng bộ…
Còn TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế nêu ý kiến phải cấp đủ vốn cho ngân hàng chính sách xã hội. Ông Lực bày tỏ sự không đồng tình với phương án hỗ trợ lãi suất như năm 2009. Vị chuyên gia mong Chính phủ thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác bất động sản. Với nhà ở bình dân, chắc chắn nhà nước phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa thì vấn đề sẽ được giải quyết.
Trái ngược với ý kiến đó, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, ông không đồng ý quan kiểm nhà nước không nên hỗ trợ lãi suất đối với dự án nhà ở giá thấp.
“GDP bình quân của người Việt Nam mỗi năm là 2.540 USD. So với Mỹ, bình quân của họ là 60.000 USD, bên đó họ cho vay với lãi suất 30 năm, cố định 5%. Trong khi ở Việt Nam chúng ta, nếu 1 người mua căn hộ giá hơn 1 tỷ đồng, vay ngân hàng 70%, tháng đầu trả gốc khoảng 3,3 triệu, trả lãi 7 triệu, tổng tháng đầu phải trả 10,4 triệu đồng.
Với khoản trả số tiền đó hàng tháng thì với một gia đình hai vợ chồng đi làm, có lẽ phải có thu nhập đem về sau thế ít nhất gấp đôi. Bao nhiêu người ở Hà Nội có thu nhập 20 triệu đồng/tháng?” – vị chuyên gia nêu vấn đề.
Vì thế, ông Hiếu cho rằng, hỗ trợ lãi suất là quan trọng, là tiên quyết để hỗ trợ người thu nhập thấp, không hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà thu nhập thấp, việc có nhà với người dân là điều khó.
Nói về thị trường vốn, ông Hiếu nhận định thị trường vốn của Việt Nam quá èo uột. Theo ông, chúng ta phải dựa vào những nguồn vốn của quỹ hưu trí, nhà đầu tư, hãng bảo hiểm, nguồn vốn dài hạn, trái phiếu chính phủ… Nếu các ngân hàng chỉ dựa vào nguồn vốn như hiện tại là rủi ro cho ngân hàng, cho tài chính, cho nền kinh tế Việt Nam.
Một trong 6 đề xuất đáng chú ý của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đối với loại nhà dành cho người thu nhập thấp, đó là cần đa dạng diện tích nhà xã hội. Theo ông có thể có các loại diện tích từ 7m đến 70m, như thế sẽ có bộ cơ cấu nhà ở phù hợp với nhiều túi tiền.
Ông Phong cũng đề xuất phải có quy hoạch riêng, không để nhà bình dân chung với khu cao cấp; cần có sự hỗ trợ của nhà nước như phải có hỗ trợ về tín dụng, lãi suất; phải giảm thiểu chi phí từ tiền sử dụng đất đến các tiêu cực phí xung quanh nhà ở xã hội…