Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Theo văn bản giải thích của Ngân hàng Nhà nước, thực trạng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là phần lớn sẽ giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay.
Cũng từ thực tế chứng minh việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đang phát sinh nhiều rủi ro, không kiểm soát được mục đích sử dụng vốn vay. Trong khi đó, các ngân hàng đang an toàn hơn khi phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng và chỉ giải ngân cho bên thụ hưởng, đó là bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có sử dụng.
Giải ngân trực tiếp vốn cho vay
Do đó, để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả dự thảo Thông tư mới đang sửa đổi theo hướng quy định các hình thức giải ngân vốn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoà.
Dự thảo Thông tư quy định rõ các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động của công ty.
Theo đó, công ty tài chính có thể giải ngân bằng tiền mặt hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng và giải ngân bằng tiền mặt cho khách hàng vay hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Quy định này là nhằm tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng giải ngân thông qua bên thụ hưởng và cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, tạo cơ sở kiểm soát việc cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay.
Cụ thể, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó và được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính, không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư đã "khoá" lại bằng quy định tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.
Quy định mới về thu hồi nợ
Dự thảo cũng đưa ra quy định về công tác thu hồi nợ. Theo đó, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng cũng như không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính.
Quy định này nhằm hạn chế thực trạng diễn ra hiện nay các công ty tài chính đã nhắc nợ với cả những người không phải là khách hàng trực tiếp của mình.
Ngoài ra, Dự thảo đã đưa ra một số quy định cụ thể trách nhiệm của công ty tài chính trong việc tuân thủ quy định pháp luật cũng như tăng cường cho vay có trách nhiệm của công ty trong tất cả các giai đoạn tín dụng. Như quy định cụ thể chế độ báo cáo của công ty tài chính cho Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính...
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tài chính tiêu dùng là lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao nhưng rủi ro nợ xấu lớn vì đa số khách hàng là cá nhân nên khả năng trả nợ phụ thuộc rất nhiều yếu tố nên cũng cần cẩn trọng hơn để tránh những khủng hoảng có thể thấy trước.
Do đó, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn của khách hàng cá nhân vay tại các công ty tài chính là điều cần phải làm để thị trường phát triển an toàn.
Bà Đặng Thị Quỳnh Anh, Giảng viên Đại học Ngân hàng Tp.HCM dẫn chứng, năm 1997 tại Trung Quốc và Thái Lan đã xảy ra tổn thất lớn ở dòng vốn tín dụng tiêu dùng. Đó là việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn không tốt dẫn đến dòng vốn này chảy vào bất động sản, chứng khoán không kiểm soát được dẫn đến hàng loạt các công ty tài chính sụp đổ. Rồi bài học tại Hàn Quốc năm 2003, khi các tổ chức cho vay tiêu dùng gia tăng cho vay mà không tính đến khả năng trả nợ của khách hàng dẫn đến việc vay nợ quá mức và khách hàng bị rơi vào bẫy nợ nần.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng mạnh kiểm soát mục đích sử dụng vốn theo hướng hạn chế, chọn lọc đối tượng khách hàng vay được giải ngân trực tiếp là hợp lý. Đặc biệt phần lớn khách hàng vay tiêu dùng tại Việt Nam đang là người trẻ, những đối tượng có nhu cầu chi tiêu cao nhưng chưa có kinh nghiệm kiểm soát chi tiêu và dễ sa vào bẫy nợ nần.
Khi khách hàng rơi vào bẫy nợ nần thì chính các công ty tài chính cũng phải trả giá vì không thể thu lại các khoản vay này.