Việc đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong thời gian qua. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Giá điện đang là vấn đề nóng, nhận được sự quan tâm của nhà quản lý cũng như các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Như chúng ta biết, giá điện đã được giữ nguyên trong thời gian tương đối dài, lần cuối cùng điều chỉnh từ năm 2019. Thời gian qua, giá các mặt hàng khác đều tăng, nhưng riêng mặt hàng điện không tăng.
Nếu giữ nguyên mức giá điện như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện. Trong năm 2022, dự kiến ngành điện sẽ thua lỗ trên dưới 30 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nếu giá điện vẫn giữ nguyên thì việc xã hội hoá, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng hết sức khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho nền kinh tế.
Ngược lại, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, vì gia đình nào cũng đều phải sử dụng điện như một sản phẩm thiết yếu. Thậm chí có thể dẫn tới một bộ phận không nhỏ gia đình vừa thoát nghèo không khéo lại tái nghèo, còn với hộ nghèo mong thoát nghèo sẽ càng khó khăn hơn.
Cùng với đó, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh. Việt Nam có tới 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang gặp nhiều khó khăn, yếu kém về tài chính, giờ thêm giá đầu vào sản xuất tăng.
Sau 2 năm “ốm yếu” vì dịch COVID-19, giờ lại thêm một “làn gió lạnh” nữa, doanh nghiệp sẽ cực kỳ khó khăn, nguy cơ đình đốn, đóng cửa sản xuất và thất nghiệp gia tăng, vấn đề an sinh xã hội sẽ càng phải được coi trọng hơn. Điều đó khiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt được, gây khó trong việc hiện thực hoá mục tiêu Đại hội Đảng đề ra.
Lâu nay luôn có những lo ngại, việc điều chỉnh tăng lương sẽ kéo theo giá các mặt hàng khác tăng theo. Ông có lo ngại việc điều chỉnh giá điện sẽ góp phần hình thành mặt bằng giá mới?
Điều đó là khó tránh khỏi. Giá điện tăng sẽ đẩy mặt bằng giá, lạm phát gia tăng. Trên thế giới, do tác động của 2 năm dịch bệnh COVID-19, Chính phủ các nước buộc phải thực thi chính sách phát triển kinh tế, dẫn tới lạm phát tăng trên dưới 10%. Nền kinh tế của chúng ta với độ mở cao, sẽ kéo theo áp lực lạm phát từ bên ngoài, dẫn đến “nhập khẩu” lạm phát.
Thời gian qua, chúng ta đã sử dụng chính sách tài khoá, tiền tệ một cách hợp lý, linh hoạt, thận trọng, khiến lạm phát chỉ ở mức 4%; kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng tốt hơn, tạo đà cho những năm tới.
Trong bối cảnh đó, nếu điều chỉnh tăng giá điện không hợp lý sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ thành tựu chúng ta đã đạt được trong thời gian qua. Lo ngại này không phải viển vông mà là nhãn tiền, đòi hỏi phải hết sức thận trọng, cân nhắc, đánh giá đầy đủ, toàn diện giữa cái được và cái không được trong việc điều chỉnh mặt hàng chiến lược, quan trọng và thiết yếu này.
"Thời gian áp dụng và mức giá điều chỉnh phải hợp lý, có đề án với tầm nhìn dài hạn, giải pháp dự phòng để xử lý những hậu quả có thể gây ra đối với sản xuất và đời sống của người dân".
TS Bùi Đức Thụ
Cần thời điểm, mức tăng phù hợp
Vậy phải làm thế nào để hài hòa các lợi ích trong bối cảnh đó, thưa ông?
Theo tôi, việc điều chỉnh giá điện là vấn đề cấp thiết, buộc phải làm, vì không thể hi sinh ngành này để cho ngành khác phát triển, không thể lấy lỗ của ngành này làm lãi của ngành khác được. Kinh tế thị trường là phải vận hành theo giá thị trường. Vấn đề đặt ra là thời điểm nào và mức điều chỉnh giá điện bao nhiêu thì hợp lý?
Về thời điểm điều chỉnh, tôi cho rằng, trước mắt chưa nên điều chỉnh. Chúng ta cần đánh giá một cách đầy đủ, đưa ra lộ trình phù hợp và theo tôi, sớm nhất cũng phải từ giữa năm 2023 mới xem xét điều chỉnh. Trong nửa năm tới, phải tính toán đầy đủ các điều kiện, giảm thiểu tối đa tác hại của việc tăng giá điện. Không nên đưa ra quyết định quá đột ngột, phải có thời gian để các tổ chức, cá nhân cơ cấu lại chi tiêu hợp lý để thích ứng với điều kiện môi trường mới.
Còn về mức điều chỉnh, về lý thuyết, thị trường trượt giá bao nhiêu, thì giá của các ngành, lĩnh vực cũng phải được đảm bảo mặt bằng giá thay đổi theo mức tăng tương ứng.
Tuy nhiên, nếu điều chỉnh giá điện tăng ở mức từ 10 - 15%, nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần có lộ trình tăng từng bước, có thể điều chỉnh trong 3 - 4 lần, đảm bảo sự thích ứng trong điều kiện có thể, chứ không thể tăng một lúc bằng mọi cách được.
Trong trường hợp buộc phải tăng giá như vậy, cần có giải pháp gì để hạn chế tối đa những hệ quả gây ra cho nền kinh tế, đời sống xã hội?
Tăng giá điện sẽ dẫn đến những tác động không mong muốn cho xã hội, do vậy cần có các chính sách khác hỗ trợ phù hợp. Ví dụ, đối với sản xuất kinh doanh, cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng, kéo mặt bằng lãi suất xuống mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đối với đời sống người dân, điều cần tính đến là tăng lương theo lộ trình. Từ 1/7/2023, chúng ta sẽ áp dụng tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Nếu như áp dụng tăng giá điện vào thời điểm tăng lương cơ sở thì chúng ta phải có giải pháp để kiềm chế cho được lạm phát. Tránh tình trạng người dân đang rất mừng, phấn khởi vì được tăng lương, nhưng chưa tăng lương thì giá cả đã tăng. Giờ lại tăng giá điện nữa thì việc tăng lương không còn ý nghĩa lớn.
Riêng những đối tượng yếu thế, người nghèo, thu nhập thấp, phải sớm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách an sinh xã hội. Thay vì cho con cá thì hãy cho cần câu, tạo công ăn việc làm, vốn liếng để họ đứng trên đôi chân của mình…
Ngành điện phải tự lột xác
Còn với nội tại ngành điện, việc tiết giảm chi phí hay đầu tư ngoài ngành cần xem xét ra sao, thưa ông?
Một thời chúng ta đã xây dựng nên các tập đoàn trở thành những “quả đấm thép” của nền kinh tế, mở rộng lĩnh vực kinh doanh, cho phép kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Sau đó, thấy bất cập, chúng ta đã điều chỉnh chính sách, để các tập đoàn nhà nước tập trung vào từng ngành, lĩnh vực chuyên môn.
Với ngành điện, trong nhiều năm qua, việc kinh doanh ngoài ngành đã được kiểm soát, buộc phải tái cơ cấu, thoái vốn ngoài ngành, tập trung vào sản xuất, phân phối, cung ứng điện.
Để đáp ứng yêu cầu điện năng, ngành điện phải đi trước một bước. Chính phủ đã phê duyệt sơ đồ điện VIII, có lộ trình với quy mô, kế hoạch, sản lượng, tốc độ tăng trưởng rõ ràng, cụ thể.
Bên cạnh tập trung phát triển theo chương trình, kế hoạch, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, ngành điện cũng cần tự lột xác. Muốn vậy phải tiết giảm chi phí, chống thất thoát, đặc biệt là trong truyền tải điện. Trách nhiệm của ngành điện và Bộ Công Thương rất lớn. Không phải vì thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả, rồi cứ tính vào giá, gây áp lực đối với xã hội, buộc người dân, xã hội phải gánh chịu.
Cảm ơn ông.