Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế giai đoạn 2015-2019 và xin ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi ngày 12/12, ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, có một số vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tế.
5 năm qua, số người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng gia tăng. Tính đến 31/12/2018, toàn quốc có trên 83,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 88,5% dân số.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Bảo hiểm y tế, tình trạng lạm dụng, sử dụng quá mức cần thiết dịch vụ y tế, thậm chí là trục lợi bảo hiểm y tế vẫn là một thách thức. Một số hình thức lạm dụng dịch vụ y tế như: áp giá thanh toán dịch vụ kỹ thuật, thống kê tổng hợp các chi phí sai quy định như thống kê trùng các dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, hóa chất đã có trong cơ cấu giá…
Trong quá trình thực hiện luật, có một số vướng mắc và vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tế, trong đó dự thảo đề xuất tăng mạnh mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng.
Theo đó, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của người lao động dựa trên tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp, mức lương cơ sở, tối đa bằng 6% thay vì 4,5% như hiện tại.
Trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, mức đóng bằng 6% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản.
Lần sửa đổi này, dự thảo luật cũng quy định tất cả thành viên gia đình phải tham gia cùng một thời điểm thay vì từng cá nhân như hiện nay. Mức đóng bảo hiểm y tế của người thứ nhất tối đa bằng 6% lương cơ sở và từ người thứ hai trở đi đóng bằng 80% mức đóng của người thứ nhất.
Dự thảo cũng đề xuất các trường hợp không được quỹ bảo hiểm y tế chi trả như: chi phí đã được ngân sách nhà nước chi trả; điều dưỡng, an dưỡng; sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; sử dụng dịch vụ thẩm mỹ…
Quỹ Bảo hiểm y tế cũng sẽ được quản lý tập trung, thống nhất/có phân cấp. Phần kết dư quỹ sẽ chuyển toàn bộ vào quỹ dự phòng.
Ngoài ra, trong dự thảo cũng đề xuất thành lập cơ quan giám định bảo hiểm y tế độc lập, tách khỏi cơ quan bảo hiểm xã hội hiện nay. Nội dung, cách thức, quy trình, tiêu chí nhận định kết quả, tiêu chuẩn giám định viên sẽ do Bộ Y tế ban hành.
Phương án khác là vẫn giữ như hiện nay, nhưng Bộ Y tế quy định nội dung, cách thức, quy trình, tiêu chí nhận định kết quả, tiêu chuẩn giám định viên.