Sáng nay (15/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển . Các đại biểu thảo luận về khó khăn, vướng mắc nhằm đề ra các giải pháp để ngành du lịch "cất cánh".
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định, trong những năm qua, nỗ lực của Hiệp hội thể hiện ở việc ra đời Quỹ xúc tiến du lịch với ngân sách hơn 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn lực của các doanh nghiệp rất lớn.
Các đại biểu thảo luận tình hình ngành du lịch, nêu giải pháp (ảnh: Nhật Bắc).
"Ngay khi COVID-19 xuất hiện, các doanh nghiệp luôn trăn trở, tranh thủ cơ hội để phát triển. Hiện nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam có lực lượng đủ mạnh để thúc đẩy hoạt động khôi phục du lịch", ông Vũ Thế Bình cho biết.
Trong hai năm dịch bệnh, nhiều hội thảo, hội nghị về du lịch được tổ chức, thu hút hàng trăm doanh nghiệp du lịch. Các hội nghị tập trung bàn về phát triển lữ hành trong giai đoạn mới, đề ra giải pháp cho du lịch nội địa.
Trong giai đoạn tới, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét chuyển giá điện của cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện dịch vụ sang giá điện sản xuất. Đây là nội dung đã được nêu trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
"Hiệp hội đề xuất các cơ quan, ban ngành khuyến khích, tạo điều kiện cho các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới thành lập doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam và thực hiện các dịch vụ du lịch. Du lịch Việt Nam muốn đón những đoàn khách chi trả cao, chắc chắn phải có doanh nghiệp lớn trên thế giới tham gia vào thị trường", ông Vũ Thế Bình nêu.
Năm 2019, trong số 5 triệu lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam có 1 triệu khách đi đánh golf ", ông Vũ Thế Bình.
Ông Bình nhấn mạnh vai trò của các Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, đặc biệt là hoạt động ở nước ngoài, đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực. "Doanh nghiệp không thể bỏ tiền ra tổ chức sự kiện của nhà nước ở nước ngoài", ông Bình nói.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu giải pháp đưa Việt Nam thành thị trường của khách du lịch cao cấp. "Du lịch Việt Nam cần triển khai loạt sản phẩm mới ra đời, đặc biệt là du lịch thể thao, nhất là bộ môn golf. Du lịch thể thao thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông. Năm 2019, trong số 5 triệu lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam có 1 triệu khách đi đánh golf", ông Vũ Thế Bình nêu.
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phát biểu tại hội nghị (ảnh: Nhật Bắc).
Để cạnh tranh với các nước trong khu vực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị chính sách miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của những người chơi golf là khách du lịch.
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, Tập đoàn đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và được các tập đoàn quốc tế top đầu của thế giới quản lý.
"Đối tượng chính của chúng tôi hiện nay đang có mức chi trả của du lịch cấp cao, gấp 2-3 lần mức của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, từ 200-300USD/ngày và thường ở 3-4 ngày. Chúng tôi có thế mạnh là kết hợp du lịch khách sạn với golf. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều khách du lịch đến Việt Nam để chơi golf như hiện nay và du lịch golf của chúng ta đã được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất", bà Nguyễn Thị Nga nói.