Theo cơ quan soạn thảo, việc ban hành cơ chế này nhằm khuyến khích các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giúp các dự án trọng điểm sớm được khai thác, trở thành động lực phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Điều này được đặt trong bối cảnh nhiều dự án quan trọng đang chậm triển khai, tạo nhiều hệ luỵ cho kinh tế xã hội.
Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ danh mục 19 dự án thuộc phạm vi áp dụng (ảnh minh họa)
19 dự án dự kiến được áp dụng cơ chế trên, bao gồm: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 TPHCM; các dự án xây dựng đường cao tốc giai đoạn 1 nối Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, Biên Hoà - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng...; dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM; xây dựng cảng hàng không Quốc tế Long Thành được đề nghị áp dụng cơ chế thưởng nếu doanh nghiệp làm hiệu quả, rút ngắn thời gian thi công.
Về nguồn tiền thưởng, Bộ KH&ĐT cho biết, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, và các văn bản hiện hành không quy định cụ thể về khoản chi độc lập để thưởng hợp đồng. Tuy nhiên, theo quy định về xây dựng, thưởng hợp đồng là một nội dung của hợp đồng, gắn với giá trị gói thầu. Vì vậy, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng phần vốn dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu) và chi phí tiết kiệm trong quá trình thực hiện gói thầu làm nguồn thưởng.
Bộ KH&ĐT cho biết, tiền thưởng phải đủ hấp dẫn với nhà thầu nên cần có hệ số khuyến khích nhằm đảm bảo trong điều kiện lý tưởng, doanh nghiệp được thưởng tối đa số tiền thưởng.
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, với gói thầu của nhóm A trở lên (chủ yếu các dự án, công trình có quy mô lớn, trong đó nhóm ít nhất từ 800 tỷ đồng), tỷ lệ thời gian rút ngắn tối đa là 50%, nên ban soạn thảo đề nghị hệ số khuyến khích là 2.
Trước đó, xét đề nghị của Bộ KH&ĐT, ngày 21/9/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã thông qua việc xây dựng Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng đối với các gói thầu liên quan đến triển khai đầu tư xây dựng dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Bộ KH&ĐT có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định theo khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn; trong đó quá trình xây dựng Nghị định phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính nghiên cứu, xác định, thống nhất danh mục các dự án được áp dụng và nguồn tiền thưởng hợp đồng phù hợp.
Phó Thủ tướng lưu ý, khi Nghị định phát sinh nội dung quy định thuộc trường hợp tại khoản 3, Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tư pháp xác định rõ nội dung và căn cứ, báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.