Hướng tới người dân ở nông thôn
Các chuyên gia đến từ Comviva (một công ty chuyên cung cấp dịch vụ trả tiền qua điện thoại) đánh giá, Việt Nam đang có nền tảng tốt để phát triển Mobile Money, bởi số dân lên tới 96 triệu người. Trong đó có tới 35% người dân sống ở nông thôn. Việt Nam có tới 75% số người dân sử dụng điện thoại di động và 66% người sử dụng internet và 64% sử dụng mạng xã hội… Đây là nền tảng tốt để Việt Nam phát triển Mobile Money. Tuy nhiên, trong tổng số dân chỉ có 31% có tài khoản ngân hàng; 6,2% người dân có thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ; 3,5% người dân sử dụng Mobile Money.
“Mobile Money sẽ trao cho cho người dân cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng, nhất là với người dân ở vùng nông thôn và những người không có tài khoản ngân hàng và khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng”, ông Sajal Mukherjee từ Comviva cho biết.
Theo các chuyên gia, hệ thống thanh toán Mobile Money của Việt Nam có các dịch vụ như Momo; Vnpay; Viettel Pay… Các chuyên gia từ Comviva cho biết, ở các nước, nông dân có thể sử dụng Mobile Money từ khi mua hạt giống đến khi bán sản phẩm nông sản đều có thể dùng tiền di động. Thậm chí người nông dân có thể vay, dùng tiền điện tử trên thuê bao di động thanh toán trước để mua nguyên vật liệu cần thiết cho sản xuất.
Chị Lưu Linh Nga, một người sử dụng dịch vụ Momo - một loại tiền điện tử trên thuê bao di động tại Việt Nam cho biết, ví điện tử này giúp các thanh toán của chị thuận tiện hơn tài khoản ngân hàng hiện nay. Các giao dịch hằng ngày như trả tiền điện thoại, thanh toán mua sắm bằng Momo… tiện dụng, bởi có nhiều kết nối hơn các dịch vụ khác như thẻ tín dụng, internet banking.
Lo hacker xâm nhập
Anh Lê Xuân Tiến, kỹ sư công nghệ thông tin của một ngân hàng thương mại đánh giá, dù có nhiều tiện ích hơn các dịch vụ của ngân hàng nhưng điều khách hàng e ngại là tính bảo mật của Mobile Money. Cuối năm 2018, một số khách hàng của một loại hình dịch vụ Mobile Money tố bị hacker xâm nhập, chuyển tiền khiến nhiều khách hàng lo lắng.
“Mobile Money và ngân hàng đều có hệ thống bảo mật riêng. Nhưng với một vài sự cố bị hacker của Mobile Money vào cuối năm 2018, khiến người dân chưa yên tâm để tiếp cận với loại hình này”, anh Tiến băn khoăn.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), thì Mobile Money có vai trò sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị dịch vụ nhỏ (5-10 triệu đồng/tháng) và chuyển, nạp, rút tiền. Với 120 triệu thuê bao di động, toàn dân có đủ điều kiện tham gia thanh toán số, được phục vụ với mức phí phù hợp.
“Để có thể triển khai Mobile Money, nhà mạng viễn thông cần các điều kiện như được phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, có nghiệp vụ xác minh thông tin khách hàng, loại bỏ thuê bao sim rác, có nguồn tài chính đảm bảo thanh toán”, ông Kiên cho biết.
“Ðể Mobile Money phát triển, cơ quan quản lý cũng như nhà mạng cần có năng lực về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Ðặc biệt, cơ quan chức năng cần đảm bảo an toàn hệ thống, bảo mật thông tin khách hàng; phải có năng lực phát hiện sớm, xử lý các giao dịch đáng ngờ; có năng lực kiểm soát, giám sát đào tạo các đại lý tham gia”.
Ðại diện Viettel
Theo đại diện Viettel, để Mobile Money phát triển, cơ quan quản lý cũng như nhà mạng cần có năng lực về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần đảm bảo an toàn hệ thống, bảo mật thông tin khách hàng; phải có năng lực phát hiện sớm, xử lý các giao dịch đáng ngờ; có năng lực kiểm soát, giám sát đào tạo các đại lý tham gia.
Tại hội thảo “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 24/5, các chuyên gia đến từ Comviva cho rằng, để Mobile Money phát triển, Việt Nam cần có hệ sinh thái gồm các ngân hàng, mạng lưới các đại lý, cửa hàng bán hàng từ đó tạo ra dịch vụ rút tiền, nộp tiền cho khách hàng.