Nghị quyết về xóa nợ thuế đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, dự kiến xóa gần 28.000 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi. Trong đó, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự... chiếm 0,3% tổng số nợ đọng, tương đương 247,5 tỷ đồng; gần 15.000 doanh nghiệp đã tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể theo quy định gần 1.500 tỷ đồng;
256 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định, nợ đọng thuế 688 tỷ đồng. Ngoài ra, có hơn 620.000 hộ kinh doanh cá thể không còn hoạt động kinh doanh, bỏ khỏi địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế có nợ đọng lên đến gần 22.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, việc xóa nợ thuế này sẽ giúp làm giảm số nợ đọng thuế, giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách và đặc biệt giảm chi phí cho nhà nước. BizLIVE ghi nhận ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế, luật sư về vấn đề này.
Giải quyết nợ thuế tồn đọng
(Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách)
Những năm qua, Quốc hội đã sửa đổi bổ sung và ban hành nhiều luật thuế và các luật quản lý thuế, dẫn đến nhiều thay đổi về chính sách thuế, tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể, hiệu quả về giải quyết nợ thuế tồn đọng trong thời gian qua.
Hàng năm, bên cạnh nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh, có nhiều doanh nghiệp, cá nhân mất khả năng thanh toán, tạm ngừng kinh doanh do bị coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự nhưng không được xóa nợ do không đảm bảo đủ các điều kiện tại Luật Quản lý thuế. Khoản nợ thuế này kéo dài qua các năm và ngày càng tăng.
Do đó, nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của Quốc hội và Chính phủ về pháp luật quản lý thuế nói chung và pháp luật quản lý nợ thuế nói riêng để xử lý tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng xử lý tiền nợ thuế lâu năm không có khả năng thu do người nộp thuế đã phá sản không thực hiện được các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật; người nộp thuế đã ngừng kinh doanh.
Tiếp tục rà soát, tạo sự công bằng
(Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Đây là những khoản nợ thuế đã tồn đọng từ rất lâu, có lẽ nhiều doanh nghiệp trong số đó cũng đã không còn tồn tại hoặc nếu còn tồn tại thì cũng luôn ở tình trạng thua lỗ.
Dù xóa những khoản nợ thuế này, tôi cũng mong chúng ta cần tiếp tục rà soát và phân nhóm để tạo ra sự công bằng. Trong số hơn 27 nghàn tỷ đó, có thể sẽ có những doanh nghiệp khai báo không trung thực hoặc cơ quan thuế thu thập thông tin chưa chính xác, do đó, cần phân loại lại các nhóm, giống như trong ngành ngân hàng có phân loại nợ, nợ thuộc nhóm 3, 4, 5 thuộc nợ xấu.
Việc xóa nợ thuế có trở thành tiền lệ xấu hay không là do tuyên truyền, công bố. Đương nhiên về lâu về dài, tôi mong Bộ Tài chính sẽ xây dựng một bộ tiêu chí, nợ như nào có thể xóa, nợ nào có thể tái cơ cấu. Bộ tiêu chí này cũng phải đáp ứng được mục tiêu làm sao tránh được hiện tượng trốn thuế.
Nghị quyết mới sẽ giúp giải quyết dứt điểm hiện tượng tồn đọng, như vậy cũng là một cách giúp mang lại công bằng nhất định đối với cơ quan thuế, không chịu mang tiếng suốt ngày để nợ đọng thuế, trong khi số tiền đôi khi không thể đòi được nữa.
Tuy nhiên, tôi cũng xin nhắc lại là chúng ta cần phải có những biện pháp minh bạch, truyền thông để hạn chế không bị coi là tiền lệ xấu.
Người chết còn nợ thuế, người thừa hưởng vẫn có nghĩa vụ trả
(Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico)
Việc xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi đáng ra nên được làm từ rất lâu rồi, việc này là tất yếu và nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Việc xóa nợ thuế sẽ làm giảm số nợ đọng thuế, giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không có khả năng thu hồi là là quy luật tất yếu của lịch sử.
Tiến hành xóa nợ thuế có nhiều vấn đề đặt ra như thủ tục, hồ sơ xóa nợ, thuế xóa nợ bí mật hay công khai, thời hạn, thẩm quyền làm sao, quan trọng là thẩm quyền, phải chấp nhận có thể có mặt trái, khó tròn trịa, chính xác nhưng trong phạm vi chấp nhận được. Không nên để tình trạng con số lớn, số ảo làm lệch lạc chỉ tiêu, nhận định.
Việc xóa nợ thuế cũng cần phải được tiến hành thận trọng, tránh việc bị lợi dụng, tạo tiền lệ xấu trong quản lý thuế, để giải quyết vấn đề này phải cân nhắc các tiêu chí như thời hạn, thẩm quyền, tính chất mức độ, số tiền xóa. Theo tôi, thời hạn xóa nợ thuế có thể mặc định sau 20-30 năm.
Có ý kiến cho rằng xóa nợ thuế kiểu này vô hình trung đang khuyến khích cho cá nhân, doanh nghiệp chây ì không đóng thuế cuối cùng cũng được xóa, tôi cho rằng nhận định này không thưc tế, bởi tội trốn thuế là rất nặng.
Bên cạnh đó, một trường hợp cũng từng được đặt ra là cá nhân chết, con cái thừa hưởng tài sản có phải chịu mọi nghĩa vụ thuế của người chết hay không khi được xác nhận thừa hưởng khối tài sản của người chết, tôi cho rằng điều này là hợp lý. Nhiều người đang nhầm lẫn, đánh đồng việc cá nhân chết là hết, nghĩa vụ về nhân thân, quyền con người chết là hết nhưng phần tài sản, nghĩa vụ còn lại. Giả sử, nhà cửa ai được người đó phải trả nợ thuế, kế thừa nghĩa vụ nộp thuế. Nợ thuế doanh nghiệp phá sản không có ai trả nợ, nhưng người đã chết, người thừa hưởng vẫn có nghĩa vụ trả nợ thuế khi còn tài sản.
Cẩn trọng xóa nợ thuế, tránh thất thu
(Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam)
Tôi đồng ý với phương án xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi, tuy nhiên cần phải theo dõi và phân loại để xóa nợ thuế đúng, tránh sai sót, thất thu ngân sách nhà nước. Trong số gần 28.000 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi, có doanh nghiệp đã phá sản, không còn tồn tại, pháp nhân, văn phòng, trụ sở không còn tôi cho rằng nên xóa.
Liên quan đến xóa nợ thuế hay thực tiễn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mấy chục năm, có doanh nghiệp không trả được nợ thuế nhưng sau một thời gian phục hồi họ lại có tiền, xóa nợ và vì cổ phần hóa nên vẫn thu hồi được vốn nhà nước, có một số công ty xóa nợ thuế rồi nhưng họ phục hồi, hoạt động lại và người ta không nộp thuế nữa vì nhà nước đã xóa nợ.
Vấn đề nằm ở hồ sơ, trừ khi công ty biến mất, công ty có quyết định của tòa án tuyên bố phá sản không còn tồn tại còn công ty còn tồn tại, có khả năng phục hồi, tái cơ cấu thì vẫn phải thu nợ thuế của họ, nên tiếp tục theo dõi hoặc nếu những công ty tồn tại không trả được thì có thể thuê các công ty đòi nợ, thu thập chứng cứ, thẩm định tài sản, khả năng trả nợ...