Nhiều băn khoăn
Một chuyên gia xăng dầu cho rằng, việc Saigon Petro đột ngột đề xuất xóa sổ xăng RON95 cũng có cơn cớ riêng. Trước đó, chính doanh nghiệp (DN) này có văn bản gửi Bộ Tài chính và Công Thương xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng E5, hoặc cho sử dụng lại xăng RON 92 (A92), về bản chất do thị trường tiêu thụ quá ít xăng sinh học.
Lãnh đạo Saigon Petro kiến nghị Bộ Tài chính tăng Thuế Bảo vệ môi trường với xăng A95 lên 4.000 đồng/lít (tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay), đồng thời giảm thuế với xăng E5 thêm 500 đồng/lít. Cùng kiến nghị trên, lãnh đạo Saigon Petro đề xuất, nếu các giải pháp về thuế được áp dụng mà không khuyến khích được người dân dùng xăng E5, thì các bộ kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng lại xăng A92.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một DN xăng dầu đầu mối cho rằng, xăng E5 bên cạnh việc không tạo được tâm lý tin tưởng của người dân, cũng đang bị DN không đánh giá cao về hiệu quả kinh doanh. Vấn đề đầu tiên chính là việc DN phải đầu tư quá nhiều tiền để cải tạo hệ thống tại các cửa hàng bán xăng, dầu. Điển hình dù có sẵn bể chứa, chỉ đầu tư “cấy” thêm hệ thống đường ống dẫn cồn để hòa với xăng, DN cũng phải chi tới 1 tỷ đồng. Còn nếu tính cả tiền đầu tư bồn cấp phép thì chi phí cũng tới 10 tỷ đồng.
Với những đơn vị có lượng xăng E5 bán ra thấp thì đây là gánh nặng đầu tư rất lớn, đặc biệt đối với những DN có nhiều cửa hàng ở khu công nghiệp, khu vực ngoại thành. Việc xăng sinh học tiêu thụ chậm, tỷ lệ hao hụt cao và chiết khấu không hấp dẫn cũng là những vấn đề mà các DN đầu mối và các đại lý kinh doanh xăng dầu không mấy mặn mà kinh doanh. “Khi DN chuyển sang kinh doanh E5 phải đầu tư nhiều tiền. Tiền đầu tư này sẽ tính vào giá bán xăng, nên về mặt chi phí người dân sẽ không được lợi gì hơn so với dùng xăng A92 trước đây”, vị này cho biết.
Một bất cập nữa cũng được các DN chỉ ra chính là hiện nay, xăng E5 đang được Nhà nước trợ giá trên dưới 800 đồng/lít để giữ mức chênh lệch với xăng RON95. Với người dân, số tiền bù lỗ này không nhiều ý nghĩa. Nhưng với các DN bán nhiều xăng E5, chủ yếu là các DN lớn, càng bán nhiều, Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở DN càng giảm mạnh. Trong khi các đơn vị bán ít xăng E5, quỹ bình ổn giá xăng dầu gần như không bị ảnh hưởng. Đây cũng là vấn đề DN thấy bất cập.
Khó hình thành độc quyền
Xung quanh đề xuất xóa bỏ xăng khoáng RON95, chỉ bán xăng sinh học E5 RON92 và E5 RON95, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cho hay, hiện chỉ có 2 nhà máy của Công ty TNHH Tùng Lâm đang hoạt động và sản xuất E100 nên nguồn cung ethanol trong nước chỉ đủ cho việc thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng E5 RON92. Nếu đưa vào sử dụng E5 RON95 và bỏ xăng A95 ngay thì các DN sẽ phải nhập khẩu E100. Còn muốn có đủ nguồn ethanol trong nước thì Nhà nước phải hỗ trợ Nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước và Nhà máy ethanol Dung Quất tái sản xuất trở lại. Tuy nhiên, hai nhà máy của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia này đang phải ngừng hoạt động do bị thua lỗ nặng nhiều năm qua.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, dù giá xăng và giá sắn đang cao như hiện nay thì hai nhà máy ethanol đang đắp chiếu của ngành dầu khí cũng không thể hoạt động hiệu quả được. Dù chỉ một mình sản xuất và cung cấp ethanol trong nước, song cả 2 nhà máy của Công ty TNHH Tùng Lâm vẫn đang bị lỗ. Do chi phí sản xuất ethanol thấp và bán được phụ phẩm nên Công ty TNHH Tùng Lâm vẫn còn cầm cự được.
“Nhiều ý kiến lo ngại nhưng thực tế không có chuyện độc quyền E100, vì các công ty kinh doanh xăng dầu đều có quyền nhập khẩu E100. Còn trong nước hiện có 6 nhà máy có khả năng sản xuất ethanol. Do sản xuất ethanol chưa có lãi nên mới chỉ có hai nhà máy của Tùng Lâm đang hoạt động. Thực tế 2 tháng đầu năm nay đã có 3 lô hàng nhập khẩu E100 về Việt Nam với mức giá nhập còn cạnh tranh hơn giá hàng sản xuất trong nước nên không thể có chuyện độc quyền sản xuất và bán ethanol”, ông Thái nói.
Một lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) ngày 7/5 cho hay, lo ngại độc quyền, lợi ích nhóm khi bán duy nhất một loại xăng sinh học là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, kinh doanh xăng dầu là loại hình kinh doanh có điều kiện và có độc quyền tự nhiên. Bên cạnh đó, giá cả các loại xăng dầu do Nhà nước quản lý, điều hành.
Theo vị này, các quy định hiện hành về cạnh tranh không cấm sự độc quyền, chỉ nhắm tới các hành vi lạm dụng vị thế độc quyền, hạn chế cạnh tranh. Hiện khá nhiều DN có các sản phẩm độc quyền. “Việc DN có một sản phẩm độc quyền thì không bị xử lý. Tuy nhiên, chỉ bán một loại xăng sinh học là không nên dù Luật Cạnh tranh không cấm việc này”, vị này nói.
Về việc Saigon Petro có đề xuất chỉ bán E5 và E5RON95 (gồm 95% RON95, 5% ethanol) thay vì bán RON 95 như hiện tại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, đây mới chỉ là đề xuất của DN. Ở khía cạnh quản lý, Bộ sẽ xem xét rất kỹ hai nội dung liên quan. Vấn đề thứ nhất là trong thời điểm hiện nay, ethanol (E100) sản xuất để phối trộn thành E5 RON92 và E5 RON95 có đủ hay không? Ngoài lượng ethanol nhập khẩu, hiện ở Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp là Công ty TNHH Tùng Lâm cung cấp ethanol nên nguồn cung phần nào cũng có sự hạn chế. Vấn đề thứ hai cần cân nhắc là giá ethanol đã hợp lý, cạnh tranh hay không.
“Tất nhiên, chúng ta đã cho phép nhập khẩu ethanol chứ không chỉ sử dụng ethanol sản xuất trong nước, cũng không phải chỉ sử dụng ethanol của một DN. Chúng tôi rất mong muốn làm tốt việc sản xuất ethanol trong nước, tức là tạo ra công ăn việc làm, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, nhất là nông dân trồng sắn, nhưng cũng phải bảo đảm cạnh tranh lành mạnh để không làm tăng giá thành xăng sinh học, kể cả E5 RON92 và E5 RON95 làm ảnh hưởng đến người dân, DN sản xuất, kinh doanh”, ông Hải nói.
Các chuyên gia kinh tế từng đặt câu hỏi: Phải chăng Bộ Công Thương sốt sắng trong việc đẩy nhanh lộ trình đưa xăng sinh học vào sử dụng là một chiêu trong kế hoạch nhằm giải cứu hai nhà máy thua lỗ nghìn tỷ của ngành dầu khí? Việc cầu ethanol trong nước tăng, giá được duy trì, sẽ là nền tảng để hai nhà máy ethanol Bình Phước và Dung Quất hoạt động trở lại và dần thoát lỗ thay vì đắp chiếu như hiện nay.