Không thể ép người dân
Khẳng định cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về các loại xăng E5 cũng như tác động với người dân, thị trường trước khi quyết định xóa sổ xăng RON95, trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cơ quan quản lý cần làm rõ nhiều vấn đề. Cụ thể hiện các loại ôtô khác nhau thì sử dụng những loại nhiên liệu có chỉ số octane khác nhau. Các chuyên gia cũng đã khuyến cáo với những ôtô có độ nén cao thì nên sử dụng xăng RON 95, vì có chỉ số octane lớn. Nếu dùng xăng E5 không có chỉ số octane lớn thì sẽ ép làm vỡ xilanh. Như ở các nước họ vẫn bán nhiều loại xăng khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn cho phù hợp với loại xe đang sử dụng.
Theo TS Lê Đăng Doanh, quyết định xóa sổ xăng RON95 cần cân nhắc thận trọng. Cơ quan quản lý không thể ép tất cả mọi người cùng dùng một loại xăng duy nhất. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần giải đáp được cho thị trường cũng như người dân về việc các động cơ xe cao cấp có sử dụng được xăng E5 hay không? Việt Nam có đủ sắn để cung ứng đủ xăng ethanol đáp ứng yêu cầu của mấy triệu ôtô, xe máy hiện nay?
“Khi nào có khảo sát, nghiên cứu trên diện rộng về hiệu suất của xăng E5 và ảnh hưởng của nó đến các loại xe (có mức độ cũ mới khác nhau) mới nên “khai tử” RON 95 để chuyển hoàn toàn sang E5. Muốn triển khai cần có căn cứ, Bộ Công Thương nếu đồng ý xóa sổ xăng RON95, ép dân phải dùng thì có phù hợp với quy luật kinh tế thị trường”, ông Doanh đặt câu hỏi.
Với gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực quản lý giá và từng giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, tại thời điểm hiện nay, việc khai tử xăng RON95 là chưa thể.
Về lâu dài Việt Nam có thể dùng xăng sinh học để hướng tới thay thế dần nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường? Ông Thỏa cho rằng, cần có đánh giá rất cụ thể về hiệu quả triển khai xăng sinh học trong thời gian qua. Vấn đề lớn nhất trong đề xuất xóa sổ xăng RON95 chính là hiện cả nước chỉ còn một đơn vị duy nhất sản xuất và cung cấp cồn E100 để pha với các loại xăng khác với số lượng khá hạn chế là Cty TNHH Tùng Lâm. Với nguồn lực cung cấp bị hạn chế và độc quyền như vậy, nếu triển khai mạnh việc xóa sổ các loại xăng khác sẽ dẫn đến việc thị trường bị phụ thuộc, và người tiêu dùng hoàn toàn không còn quyền được lựa chọn sản phẩm thay thế.
“Người tiêu dùng vẫn chưa tin tưởng xăng E5 RON92 và điều này thể hiện bằng việc số lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ vẫn chưa vượt được qua xăng khoáng RON95. Cùng với việc cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải đẩy mạnh tuyên truyền về xăng sinh học, cần để người tiêu dùng được lựa chọn sử dụng loại xăng nào. Thị trường sẽ quyết định mức độ cạnh tranh và độ tin dùng của sản phẩm. Không nên bắt ép người tiêu dùng”, ông Thỏa nói.
Các chuyên gia cho rằng, cần để cho người tiêu dùng có quyền lựa chọn nhiều loại xăng phù hợp với loại xe đang sử dụng. Ảnh: Như Ý.
Bộ Công Thương nói sẽ phải xem xét
Về việc Việt Nam sẽ thay thế dần xăng khoáng bằng xăng sinh học, trong cuộc trao đổi gần đây với PV Tiền Phong, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), ông Phan Thế Ruệ cho rằng, cần phải tính toán cẩn thận theo cả hai chiều lợi và hại.
Theo ông Ruệ, khi triển khai rộng sẽ nảy sinh câu chuyện nếu ethanol do các nhà máy trong nước sản xuất bán giá cao hơn giá nhập khẩu thì sẽ bị các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối quay lưng. Điều này là dễ hiểu do cơ chế thị trường khó có thể bắt doanh nghiệp phải mua nguồn trong nước nếu nguồn trong nước đắt hơn nhập khẩu. Chưa kể, hiện ethanol trong nước được làm từ sắn trong khi ở nước ngoài họ sản xuất chủ yếu bằng ngô. Thực tế thời gian gần đây một số doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PVOil đã nhập ethanol từ nước ngoài để phối trộn trước khi bán ra thị trường do giá nhập khẩu rẻ hơn mua của Cty TNHH Tùng Lâm trong nước.
“Ngô ở Mỹ nhập về Việt Nam chỉ 4.000 đồng/kg. Sắn mua trong nước cũng ở mức 3.500 - 4.000 đồng/kg, chưa kể hao hụt trong quá trình chế biến. Như vậy ethanol trong nước sản xuất ra làm sao cạnh tranh được với giá ethanol nhập khẩu. Ethanol trong nước sản xuất ra, dù có thừa, mà bán đắt thì cũng chả ai mua. Sản xuất ra giá phải cạnh tranh”, ông Ruệ nói.
Cũng theo phân tích của Chủ tịch VINPA, trong điều hành cũng như thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiệm vụ của Bộ Công Thương không phải là khôi phục các nhà máy ethanol nghìn tỷ đắp chiếu thời gian qua để tạo nguồn cung cấp cho các doanh nghiệp đầu mối bằng mọi giá. Chưa kể, dù có khôi phục các nhà máy bằng mọi giá nhưng với công nghệ của các nhà máy, với cách làm ethanol của các doanh nghiệp hiện nay sẽ không bao giờ cạnh tranh nổi với nước ngoài.
Trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ về đề xuất “khai tử” xăng RON 95, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đề xuất mới là của doanh nghiệp và bộ sẽ xem xét kỹ lưỡng đề xuất này trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Hải cũng xác nhận thực tế hiện nay, cả nước chỉ có duy nhất Cty TNHH Tùng Lâm đang sản xuất và cung cấp cồn E100. Vì vậy, nếu bỏ xăng RON95 để thay thế bằng xăng E5 RON95 thì cần phải đảm bảo giá xăng có sự cạnh tranh so với xăng khoáng RON95.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, bộ mong muốn doanh nghiệp làm tốt khâu sản xuất ethanol để tạo công ăn việc làm, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các loại xăng dầu, không làm tăng giá xăng sinh học, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.
“Chúng tôi xem xét rất kỹ hiện nay ethanol (E100) để phối trộn tạo thành E5 RON 92, hoặc E5 RON 95 liệu có đủ hay không. Tất nhiên chúng ta đã cho phép nhập khẩu chứ không chỉ sử dụng trong nước cũng không phải chỉ sử dụng của duy nhất một doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.
"Chúng tôi sẽ tập hợp và báo cáo Chính phủ theo đúng tình hình thực tiễn. Quan trọng nhất là bảo đảm an ninh năng lượng cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh, bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải