Theo thông tin từ DealStreetAsia, Loship đang đàm phán giai đoạn đầu với Daiwa Securities Group của Nhật Bản và các nhà đầu tư các để chốt vòng Series C trị giá 50 triệu USD.
Hồi đầu tháng 8, Loship thông tin nhận được 12 triệu USD vốn đầu tư vòng Pre – Series C từ BAce Capital (quỹ đầu tư mạo hiểm được hậu thuẫn bởi Alibaba Group) và Sun Hung Kai & Co. Limited (tập đoàn bất động sản hàng đầu Hong Kong), đạt mức định giá 100 triệu USD.
Trước đó vào tháng 2, Loship huy động được khoảng 8 triệu USD từ MetaPlanet Holdings của Jaan Tallinn, đồng sáng lập Skype.
Chia sẻ với Techcrunch sau vòng gọi vốn Pre-Series C, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Loship Nguyễn Hoàng Trung cho biết, công ty khởi nghiệp đã phải tiến hành các vòng Pre-Series C vì có quá nhiều nhà đầu tư tham gia vào vòng Series C và cần mất nhiều thời gian để hoàn thành.
Được thành lập năm 2017, Loship cung cấp dịch vụ giao hàng trong vòng một giờ với các sản phẩm dịch vụ bao gồm thực phẩm, gọi xe, thuốc, và hỗ trợ B2B. Công ty cho biết họ có 70.000 tài xế, 200.000 nhà bán hàng và phục vụ 2 triệu khách hàng tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hoà…
Nguồn vốn huy động của Loship sẽ được sử dụng để mở rộng sáng các thành phố mới và phát triển theo chiều dọc như giao hàng B2B cho doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống và các cửa hàng bán lẻ.
Giám đốc điều hành Nguyễn Hoàng Trung cho biết Loship có "con đường rất rõ ràng để tạo ra lợi nhuận".
Ông cũng cho rằng là công ty địa phương, Loship cũng hiểu khách hàng ở mức độ sâu hơn so với các đối thủ trong khu vực như Grab hay Gojek. Loship tìm kiếm các thị trường mới như khu vực thành phố cấp 2, phát triển cơ sở khách hàng, và sau đó mở rộng dịch vụ từ đó.
Kế hoạch của Loship đến cuối năm 2021 là mở rộng thêm 5 thành phố lớn, nâng tổng số thành phố mà công ty đang hoạt động lên con số 10. Sau đó Loship dự định sẽ ra mắt tại các thành phố cấp 2 và cấp 3 tại Việt Nam, trước khi mở rộng ra khu vực Đông Nam Á (Nguyễn Hoàng Trung nói rằng Lào và Campuchia là thị trường "phải thắng").