Theo DealstreetAsia, CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service), đơn vị phát triển ứng dụng di động MoMo được cho là đang huy động thêm ít nhất 100 triệu USD để trở thành kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam.
Cho đến lúc này, Việt Nam mới có hai cái tên kỳ lân, bao gồm VNG và VNLIFE. Sky Mavis – công ty đứng sau tựa game đình đám Axie Infinity mới đây được định giá 3 tỷ USD dù có đội ngũ phần lớn là người Việt Nam nhưng là công ty đăng ký trụ sở tại Singapore.
Việt Nam hiện có Tiki – sàn thương mại điện tử cũng tiệm cận mức kỳ lân công nghệ.
Hồi đầu năm, MoMo được cho là đã huy động khoảng 100 triệu USD từ vòng gọi vốn Series D.
Với tuổi đời hơn 10 năm, MoMo đang định hướng trở thành một siêu ứng dụng nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của người dùng, từ chuyển tiền, gửi tiết kiệm, vay nhanh, đặt vé du lịch, đặt vé xem phim, mua sắm, thanh toán…
Công ty cho biết hiện có hơn 25 triệu người dùng, hơn 30.000 đối tác kinh doanh và hơn 120.000 điểm chấp nhận thanh toán.
MoMo ngày càng phát triển thêm nhiều tính năng để thu hút và giữ chân người dùng, bao gồm cả việc gamification (tức là trò chơi hóa ứng dụng).
Bên cạnh đó, MoMo cũng kết hợp cùng ngân hàng, các công ty bảo hiểm cung cấp nhóm dịch vụ tài chính như vay nhanh, mua trước – trả sau, đầu tư, thanh toán hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, vay tín dụng tiêu dùng, mua bảo hiểm tài sản, bảo hiểm du lịch với ưu điểm nhanh gọn và tiện lợi…
Trong những năm qua, MoMo nằm trong số những ví điện tử lỗ nhiều nhất, số tiền chi ra để tăng nhanh quy mô người dùng. Tại Việt Nam hiện nay, cuộc đua siêu ứng dụng đang ngày càng trở nên hấp dẫn với những cái tên như Grab, MoMo, Zalo hay các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada cũng đang phát triển thành một ứng dụng tích hợp không chỉ theo chiều dọc mà còn chiều ngang.
VNG cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào cuộc chơi thanh toán, trong 9 tháng đầu năm ZaloPay ghi nhận mức lỗ lên tới 840 tỷ đồng, gần bằng mức lỗ của MoMo trong năm 2020.