Việt Nam đang đi qua những ngày tháng của năm thứ 2 của Đại dịch Covid với mức độ khốc liệt và diễn biến ngày một khó lường, với ảnh hưởng tới cả Kinh tế và xã hội ngày càng nghiêm trọng. Đợt khủng hoảng này do biến thể Delta gây ra, tiếp tục là một phép thử với độ khắc nghiệt ngày càng cao về sức chống chịu của các doanh nghiệp. Con đường dẫn các doanh nghiệp từ "sống sót", "phục hồi" và "hưng thịnh" trở nên gian nan, lâu dài hơn dự tính rất nhiều.
Bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, kiêm Chủ tịch VIOD đánh giá, sự gián đoạn trong kinh doanh có thể dâng trào giống như những đợt sóng thủy triều lên, mà cũng có thể ồ ạt quét qua như một cơn bão. Delta chính là liều thuốc thử cho các nhà lãnh đạo kiên tâm, cũng là một "lò luyện", qua đó khả năng lãnh đạo kiên tâm có thể được "chưng cất" và tinh chế tốt nhất. Đây còn là một phép thử hiệu quả đối với nhiều doanh nghiệp cũng như đối với giá trị của các nhà lãnh đạo trong thời khủng hoảng.
3 chữ Đ đọng lại trong 600 ngày Corona
Tại Hội thảo trực tuyến "Doanh nghiệp kiên cường- Vững vàng trong thử thách" do Deloitte Việt Nam phối hợp cùng với Viện thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức, ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng Giám Đốc dịch vụ tư vấn Thuế, Công ty Deloitte Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn về các cách để xây dựng một doanh nghiệp kiên cường, vượt qua khủng hoảng một cách hiệu quả.
Theo ông Phan Vũ Hoàng, Covid xuất hiện được khoảng 600 ngày, nhưng đã làm thay đổi, xáo trộn thế giới một cách thực sự khó tưởng tượng. Tổng kết lại những gì Corona gây ra với doanh nghiệp, đại diện Deloitte tổng kết vào 3 chữ Đ: Đứt, Đẩy, Đồng.
Đứt – Đứt đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng, tình hình sản xuất kinh doanh.
Đẩy – Thúc đẩy nhiều sự thay đổi với tốc độ không thể tưởng tượng (chuyển đổi số, thay đổi phương thức kinh doanh).
Đồng – Trong bối cảnh khó khăn mới thấy được sự đồng cảm giữa lãnh đạo với nhân viên, đồng lòng giữa doanh nghiệp với chính phủ, đồng cam cộng khổ giữa DN với cộng đồng.
Trong bối cảnh như vậy, hơn bao giờ hết sự kiên tâm của lãnh đạo và kiên cường của doanh nghiệp là mấu chốt để từng doanh nghiệp và cá nhân vượt qua biến cố. Đồng hành cùng với đối tác, Deloitte toàn cầu đã phát hành báo cáo về mức độ kiên cường (Resilience report) của các tổ chức trên toàn cầu. Giúp các nhà lãnh đạo hiểu rõ mức độ kiên tâm của bản thân, kiên cường của DN, sẵn sàng cho bất kỳ thách thức nào tiếp theo
Dựa trên khảo sát 2.260 nhà lãnh đạo trên 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, ở các ngành nghề khác nhau, độ tuổi khác nhau. 79% nam, 21% nữ, nhưng không ảnh hưởng đến sự khách quan trong câu trả lời.
Trong báo cáo của Deloitte toàn cầu, 30% doanh nghiệp nói hoàn toàn tự tin vượt qua khủng hoảng một cách hiệu quả, năm ngoái với cùng câu hỏi này chỉ có 24% trả lời rằng họ hoàn toàn tự tin. Điều này cho thấy, trong những xáo trộn bất ổn, sự tự tin đã tăng lên đáng kể. Qua thử thách, sự tự tin này có tăng lên, và quan trọng nhất trong báo cáo, yếu tố quan trọng nhất để quyết định vượt qua biến cố hay không chính là sự kiên cường của DN.
Các DN trả lời hoàn toàn tự tin đồng thời trả lời là họ có đủ tố chất của một doanh nghiệp kiên cường (resilient organizations), số này cao cấp 3 lần so với các DN không có đủ yếu tố kiên cường.
5 phẩm chất của một doanh nghiệp kiên cường
Qua thống kê của Deloitte và khảo sát trong thời gian qua, thì có 5 phẩm chất của một doanh nghiệp kiên cường và luôn đúng bất kể doanh nghiệp ở trong ngành nghề nào, quốc gia nào, đó là:
(i) Có sự chuẩn bị
(ii) Biết thích nghi
(iii) Biết hợp tác
(iv) Có tín nhiệm
(v) Có trách nhiệm
Luôn luôn chuẩn bị
Nhà lãnh đạo luôn phải tính trước vài nước, chuẩn bị các kịch bản xảy ra để có kế sách phù hợp. DN nào lên kế hoạch phản ứng cho từng tình huống và chuẩn bị kỹ càng thì DN đó càng có khả năng chống chịu với các yếu tố bất ngờ.
Nhiều DN đã có những hành động chiến lược, thậm chí triển khai trước năm 2020, các tổ chức đó không biết trước về COVID-19, nhưng đã có kế hoạch định hướng để vượt qua những xáo trộn như sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường, nâng cấp công nghệ…
Khảo sát của Deloitte cho thấy nhân viên phải có sự thích ứng và thành thạo về công nghệ
Theo khảo sát của Deloitte, trong những DN đầu tư vào công nghệ để cho nhân viên làm việc từ xa, 68% đã vượt qua đại dịch hiệu quả, trong khi các DN chưa chuẩn bị thì chỉ có 28% thừa nhận tự tin đã vượt qua đại dịch hiệu quả. Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đã triển khai "stress-test", thử sức chịu đựng,đặt các lãnh đạo và bộ phận chủ chốt trong DN vào những tình huống khắc nghiệt giả định xem họ vượt qua khủng hoảng như thế nào. 85% lãnh đạo có tầm nhìn xa, cân bằng mục tiêu ngắn hạn với dài hạn, có thể vượt qua suôn sẻ điều này nói lên tầm quan trọng của "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Biết thích nghi
"Trong thời đại dịch, người muốn sống tốt thì phải tập cai phở, DN muốn sống sót phải biết xoay sở - chủ yếu nói đến tài của nhà lãnh đạo".
Linh hoạt và khả năng thích ứng của đội ngũ nhân viên tạo sự thích nghi của doanh nghiệp. DN càng tạo điều kiện cho người lao động linh hoạt hơn: luân chuyển, đào tạo, kỹ năng, làm việc linh hoạt… DN ấy sẽ có văn hóa kiên cường và sớm vượt qua đại dịch hiệu quả. Đây cũng là 1 trong những yếu tố khó khăn nhất.
Biết hợp tác
Ông Phan Vũ Hoàng đưa ra một ví dụ của Manulife (Mỹ). Trong đợt dịch bùng phát năm 2020, Manulife nhận thấy cần tăng cường giao tiếp trong nội bộ, do đó họ tổ chức họp hằng ngày giữa các lãnh đạo và quản lý cấp cao. Sau một thời gian, Manulife thấy tốc độ ra quyết định và giải quyết vấn đề nhanh hơn hẳn. Điều này là do thông tin thông suốt, có sự kết nối, tín nhiệm cao hơn giữa lãnh đạo cấp cao, lan tỏa xuống đến các phòng ban và nhân viên một cách tự nhiên. Nhờ đó công ty này tạo ra được văn hóa hợp tác hiệu quả giữa các bộ phận. Kết quả là ra kết quả tinh gọn, hoạt động nhanh gọn, mọi thứ được triển khai ở tốc độ cao.
Các DN khác cũng đều nhận ra tầm quan trọng của việc kết nối, hợp tác hiệu quả. 59% DN xóa bỏ tâm lý cục bộ cũng cho biết họ vượt qua biến cố một cách vững chãi. Kể cả sau khi biến cố, đại dịch đã qua, họ vẫn hy vọng được làm việc từ xa, làm việc 1 cách linh hoạt. Đây sẽ là một xu hướng không thể tránh khỏi trong tương lai. 79% đầu tư công nghệ làm từ xa và tạo điều kiện phối hợp giữa các bộ phận, đối tác thì tỏ ra là vững vàng hơn trong biến cố.
Có tín nhiệm và có trách nhiệm
Có tín nhiệm: DN nào đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng thì xây dựng được tín nhiệm cao hơn (về cả thể chất, cảm xúc, không gian số), DN đó đã vượt qua biến cố một cách hiệu quả. 59% có hỗ trợ về tinh thần cho nhân viên, đây là điểm cực kỳ quan trọng.
Có trách nhiệm: Với cộng đồng, nhân viên, thể hiện qua chỉ số tôn trọng nhân viên cao và chỉ số cam kết về ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), DN có cam kết càng cao thì càng có văn hóa doanh nghiệp kiên tâm. Tất cả những DN đều có văn hóa đa dạng bao trùm, tạo nên văn hóa kiên tâm. Văn hóa kiên tâm thì DN kiên cường.
Các DN Việt Nam cho thấy rằng "thích nghi" là khó nhất, thì họ lại có được một cách dễ dàng nhất. Trong khi đó, có tín nhiệm & hợp tác lại quan trọng không kém. Nên xây dựng thêm sự tín nhiệm của nhân viên, khách hàng và sự hợp tác trong cả nội bộ và bên ngoài. 5 thành tố đều quan trọng và bổ sung cho nhau, nếu thiếu bất kỳ thành tố nào thì sẽ gặp khó khăn.
Đề xuất 8 hành động xây dựng và củng cố tổ chức kiên cường
Nguồn: Deloitte
Báo cáo Deloitte đề xuất 8 thành động xây dựng và củng cố tổ chức kiên cường bao gồm: Có kịch bản, dự đoán; Có stress-test khủng hoảng để kiểm tra mức độ chống chịu trong những tình huống bất thường; Tuyển những người có tư duy cụ thể: học hỏi, phản biện, tư duy mở, để dễ dàng phát huy sự linh hoạt tối đa, vì không ai đảm bảo được; Triển khai đào tạo và luân chuyển, cho NV có kỹ năng mới; Thúc đẩy công nghệ triển khai hợp tác cả trong nội bộ và ngoài DN; Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức khác, trong KD cũng như xã hội; Củng cố tín nhiệm (thể chất, tinh thần, không gian số); Xây dựng văn hóa DN đa dạng, bao trùm để tăng cường sự tinh gọn trong DN.