Biến chủng Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ đã lây lan quá nhanh, và hiện tại đang khiến rất nhiều quốc gia phải xem lại kế hoạch dỡ phong tỏa cùng tái mở cửa kinh tế. Nỗ lực kiểm soát đại dịch toàn cầu bị đe dọa hơn bao giờ hết.
Sự lây lan của biến chủng Delta đã làm nổi bật lên bản chất của một đại dịch toàn cầu. Sự khác biệt đang lộ rõ giữa những quốc gia chưa làm tốt công tác tiêm vaccine - nơi số ca nhập viện và tử vong tăng rất cao - và các nước tiêm chủng thành công hơn, khi số ca nhiễm và có triệu chứng nặng giảm hẳn.
Delta càn quét khắp Ấn Độ vào tháng 5/2021, khiến quốc gia này rơi vào tình cảnh giống như địa ngục. Ước tính, Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn gấp 2 lần so với chủng virus ban đầu. Hiện tại, 85 quốc gia đã ghi nhận sự có mặt của Delta, và hiện đây cũng là biến chủng ưu thế ở Mỹ. Chỉ có Nam Phi, nơi có một biến chủng khác cũng có khả năng lây lan mạnh tồn tại, Delta mới không thể chiếm ưu thế.
Châu Á, châu Úc và châu Âu, chính phủ các nước hiện đang phải tái áp đặt lệnh siết chặt di chuyển, đồng thời trì hoãn kế hoạch dỡ phong tỏa khi các chuyên gia y tế nhận ra những phương pháp trước kia hiện không thể cản được Delta hoành hành.
Tại Anh - nơi Delta chiếm đến 97% ca nhiễm mới gần đây - và nhiều khu vực có tỉ lệ tiêm chủng cao khác, mối lo phần nào được gỡ bỏ khi các bằng chứng cho thấy vaccine giảm được tỉ lệ tử vong và nhập viện. Tuy nhiên ở những khu vực tiêm chủng chưa nhiều - như châu Phi, các bệnh viện đang dần quá tải.
Ngay cả ở những nơi đang có số ca nhiễm thấp, Delta vẫn là một mối nguy thường trực. Trong số đó có Nhật Bản, quốc gia đang chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Olympics mùa Hè. Các mô hình tính toán ước tính tỉ lệ Delta trong số các ca nhiễm mới tại Tokyo sẽ rơi vào khoảng 30% vào cuối tháng 6, và hơn 50% vào giữa tháng 7.
Ở Úc, khu vực nhộn nhịp nhất tại Sydney đã lần đầu tiên bị phong tỏa trong suốt 1 năm qua, khi virus đang lây lan nhanh hơn khả năng lần vết và cách ly ca nhiễm. Một số báo cáo cho thấy chủng mới thậm chí có thể lây qua tiếp xúc thoáng chốc, qua đó làm hạn chế khả năng lần vết hiệu quả. Quốc gia này hiện cũng chỉ có 5,8% dân số được tiêm chủng 2 mũi.
Trung Quốc cũng đã phải xây các cơ sở cách ly khổng lồ dành cho người nhập cảnh tại 2 thành phố phía nam, nhằm đối phó với sự đe dọa của biến chủng Delta. Cơ sở đầu tiên rộng 250.000m2, đủ phòng cho 5000 người kèm 2000 giường cho đội hậu cần, dự tính đưa vào hoạt động trong tháng 9.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải thay đổi định nghĩa về tiếp xúc trong quy tắc phòng dịch. Theo đó, bất kỳ ai ở trong cùng tòa nhà với ca nhiễm trong vòng 4 ngày trước và sau thời điểm phát hiện sẽ buộc phải cách ly. Theo Zhong Nanshan - nhà dịch tễ hàng đầu của Trung Quốc, thời gian ủ bệnh của Delta là ngắn hơn chủng cũ, trong khi quãng lây nhiễm lại dài hơn hẳn.
Indonesia - đất nước đông dân thứ 4 thế giới đang hứng chịu làn sóng Covid-19 tàn khốc nhất với sự xuất hiện của Delta. Họ thậm chí đứng bên bờ vực trở thành một "Ấn Độ thứ 2" , khi số ca nhiễm đang ở mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, kèm theo trung bình 400 ca tử vong mỗi ngày - tăng gấp đôi so với đầu tháng 6.
Với chỉ 5% dân số được tiêm chủng, các chuyên gia y tế cho rằng số ca nhiễm tại Indonesia sẽ còn tăng cao nữa. Chính phủ Indonesia đã cố gắng không áp dụng các biện pháp siết chặt để tránh gây tổn hại đến nền kinh tế. Nhưng hồi, họ cũng phải chấp nhận tăng nặng thêm các biện pháp dành cho những khu vực nặng nề nhất, như đóng cửa nhà thờ, yêu cầu lao động ngành nghề không thiết yếu phải làm việc tại nhà.
Những ngôi mộ xuất hiện với tần suất quá lớn tại Indonesia
Tương tự là Hàn Quốc. Sự xuất hiện của Delta đã khiến kế hoạch dỡ bỏ giãn cách xã hội tại Seoul. Số ca nhiễm tại Hàn Quốc đang tăng cao nhất trong vòng 2 tháng qua, với 20% rơi vào nhóm người trẻ 20 tuổi.
Israel cũng đã phải tái ban hành quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong nhà, cũng vì số ca nhiễm tăng cao. Dù là quốc gia tiêm chủng cực kỳ thành công, nhưng nhóm trẻ em dưới 18 tuổi đa số đều chưa tiêm chủng, và nhóm này chiếm hơn 1/2 số ca nhiễm trong tuần cuối tháng 6.
Xét trên tổng thể toàn cầu, việc siết chặt di chuyển vì biến chủng mới đã khiến nền kinh tế của nhiều quốc gia phụ thuộc vào du lịch trở nên bi đát hơn.
Theo tính toán mới của Liên hợp Quốc (UN), thiệt hại kinh tế toàn cầu đang sắp chạm mốc 2,4 triệu tỉ đô - mức kỷ lục từng ghi nhận vào năm 2020. 60% số này sẽ rơi vào các nền kinh tế đang phát triển, những nơi có tiến độ tiêm chủng chậm hơn so với thế giới. Trong khi đó, những đất nước phục hồi được du lịch sẽ là các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao, bao gồm Pháp, Đức Thụy Sĩ, Anh và Mỹ.
Các chuyến hàng bổ sung oxy y tế tại Uganda
Ở châu Phi, 21 trên tổng số 54 quốc gia đang ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt, đa số đều đã vượt qua mốc của làn sóng dịch trước đó. Và cũng chỉ có 1,1% trên tổng số 1,3 tỉ người châu Phi là được tiêm chủng mà thôi.
Các bệnh viện tại Uganda, Nam Phi, Zambia và CHDC Congo đang bị quá tải trầm trọng. Một số quốc gia buộc phải ban hành lệnh tái phong tỏa.
Ở Mexico, số ca nhiễm mới đã tăng gấp đôi trong tháng qua do sự xuất hiện của Delta. Hiện tại, biến chủng này chiếm tới 2/3 ca nhiễm tại Mexico City. Dù vẫn đang thấp hơn so với thời điểm đầu năm, nhưng các chuyên gia dịch tễ cảnh báo rằng làn sóng dịch lần 3 của Mexico sẽ đến trong thời gian rất sớm.
Nam Mỹ thì rơi vào trường hợp khác. Delta dường như buông tha cho khu vực này, nhưng chỉ là vì họ phải đối mặt với một biến chủng cũng kinh khủng không kém - Gamma.
Nguồn: WSJ