Người dân thành phố New York đã từng thở phào nhẹ nhõm, nhưng chỉ được trong thời gian rất ngắn. Mới cách đây 1 tháng, chính quyền thành phố tuyên bố chính thức mở cửa toàn bộ các ngành hàng, thu lại quyết định đeo khẩu trang bắt buộc sau khi vaccine được tiêm chủng rộng rãi. Virus lúc ấy tưởng như thực sự đã rút lui.
Nhưng không. Virus corona đã chứng minh nó là kẻ thù dai dẳng đến mức nào của nhân loại. Các ca nhiễm đang dần quay trở lại. Số bệnh nhân phải nhập viện tăng lên - chủ yếu ở những người từ chối tiêm vaccine. New York từ bỏ niềm hân hoan ngắn ngủi, trở lại trạng thái suy sụp.
Với nhiều người New York, những người từng trải qua nỗi khiếp sợ hàng ngàn người chết vào đỉnh dịch năm 2020, mỗi ca nhiễm mới hiện nay đều giống như một lời cảnh báo. Một số khác, việc số ca nhiễm leo thang cùng với thực tế là người tiêm vaccine nhiễm bệnh đều không có triệu chứng nặng khiến họ phải nghĩ về một viễn cảnh mới, nơi con người phải sống chung với dịch bệnh mãi mãi.
Có lẽ, cảm xúc chung của họ lúc này là nỗi lo. Khi Delta - biến chủng Covid toàn diện nhất hiện nay - đang lây lan khắp thành phố, có những câu hỏi đang chờ được giải đáp: Liệu rằng đây có phải là những gì sẽ xảy ra trong tương lai? Liệu đại dịch có tiếp diễn đến mãi mãi?
"Nó giống như cúm vậy, cúm chẳng bao giờ chấm dứt," - Nelson Lopez, cư dân 45 tuổi tại East Harlem. Lopez đến lúc này vẫn không thể tự tin sải bước ra ngoài mà không nghĩ về những hàng xóm đã chết vì đại dịch. "Mọi người sẽ tiếp tục sợ hãi, mãi mãi."
Cuối tuần qua, cặp vợ chồng kỹ sư điện Hua Cheng (55 tuổi) và Keith Hu (60 tuổi) đã đến New York từ quê nhà Randolph (New Jersey) để ghé thăm bảo tàng nghệ thuật của thành phố. Bước ra khỏi xe, họ kéo cao khẩu trang, giữa một thành phố đột nhiên chìm trong cảnh giác.
New York vắng lặng trong đợt phong tỏa năm 2020
"Tôi đã nghĩ mình an toàn," - ông Hu cho biết khi bước vào bảo tàng. Dù đã được tiêm vaccine đủ 2 mũi, cả hai vẫn đeo khẩu trang vì Delta đang đe dọa.
Hôm 27/7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đưa ra cảnh báo rằng người đã tiêm vaccine vẫn nên đeo khẩu trang khi tụ tập trong nhà, sau khi chứng kiến tỉ lệ nhiễm là 50 ca trên 100.000 dân từ trước đó 1 tuần, với tỉ lệ dương tính lên tới 8%.
Và cả thành phố New York bắt đầu đặt ra các tiêu chuẩn mới. Thị trưởng Bill de Blasio - người vốn cương quyết chống lại việc tái áp đặt đeo khẩu trang bắt buộc, hôm 28/7 đã phải thông báo sẽ xem xét bản hướng dẫn mới của CDC. Ông de Blasio cũng tìm cách đẩy mạnh tiêm chủng, bằng việc tuyên bố trao tặng 100 đô cho mỗi người dân tiêm chủng mũi đầu tại các cơ sở tiêm vaccine công cộng, bắt đầu từ ngày 30.
New York năm 2020
Trung bình 7 ngày qua, số ca nhiễm mới tại New York lên tới gần 1000 - tăng gấp 5 lần so với tháng trước đó, với 75% là chủng Delta. Dù số lượng bệnh nhân phải vào viện điều trị vẫn chỉ ở dưới 300, nhưng con số ấy thực chất đã là mức tăng 75% so với đầu tháng 7. Đa số những người nhập viện ở New York là nhóm chưa được tiêm chủng.
"Chủng Delta đã đưa chúng ta vào một tình huống rất khó," - ông de Blasio phát biểu trong cuộc họp báo tuần qua, đồng thời tuyên bố toàn bộ công nhân viên y tế hoặc phải tiêm vaccine, hoặc phải xét nghiệm định kỳ hàng tuần. Hôm 26/7, ông tiếp tục mở rộng phạm vi bắt buộc tiêm chủng ra khoảng 340.000 nhân viên công của thành phố, đặt ra hạn định đến giữa tháng 9.
Thống đốc bang New York Andrew M. Cuomo hôm 28/7 cũng khẳng định toàn bộ nhân viên công của bang phải được tiêm chủng, hoặc có chứng nhận xét nghiệm hàng tuần. Cũng trong tuần qua, bang California và Sở Cựu chiến binh Hoa Kỳ đưa ra yêu cầu tương tự.
Với một số người như Julissa Matos (31 tuổi), những tin tức và quy định mới đã thay đổi quyết định của cô về việc tiêm vaccine. "Tôi đã không muốn tiêm chủng," - cô Matos nói, trong lúc trông các cháu mình chơi đùa trong công viên. "Tôi cảm giác họ chỉ đang thử nghiệm, mà tôi thì không muốn thử."
Khoảng 45% cư dân khu vực Matos sống (South Bronx) được tiêm chủng - tỉ lệ thấp nhất tại New York. Nhưng vào hôm 26/7, Matos đã mang con trai 12 tuổi của mình - Cleon Clark - đến Trung tâm Y tế Lincoln để tiêm chủng cho cả hai, vì sợ rằng cậu bé có thể nhiễm virus trong buổi cắm trại sắp tới tại Pennsylvania. Cuối tuần qua, một ổ dịch tại khu cắm trại Camp Pontiac đã xuất hiện, với 30 trẻ em dương tính. Tất cả đều quá nhỏ để được tiêm chủng.
"Suốt 2 tuần gần đây, mỗi khi nhắm mắt ngủ, có thứ gì đó trong tôi thôi thúc mình phải đưa thằng bé đi tiêm chủng," - Matos trải lòng. "Tôi bắt đầu lo sợ thêm lần nữa, giống như trước kia."
Dẫu vậy, một số người vẫn khẳng định rằng việc ca nhiễm gia tăng không làm thay đổi quyết định của họ, như Daniel Presti. Trên Đảo Staten, Presti đang giúp đỡ một người bạn bố trí một quầy bar vào buổi tối cuối tuần. Quán bar Presti từng quản lý đã phải đóng cửa vào năm ngoái, sau khi anh cùng chủ quán là Keith McAlarney (47 tuổi) liên tục phá vỡ quy định phong tỏa của thành phố vì cho rằng đó là "xâm phạm quyền tự do cá nhân".
Daniel Presti và Keith McAlarney (trái)
Đảo Staten của ngày hôm nay nằm trong số các khu vực có số ca nhiễm cao nhất thành phố New York. Nhưng Presti đến giờ vẫn không tin vào số liệu. "Tôi không nghĩ chúng ta cần phải phá hủy đời sống của mình vì một thứ virus có tính sinh tồn cao. Tôi sẽ không thay đổi những gì mình làm."
Các vùng đất của người Do Thái tại South Williamsburg (Brooklyn) cũng từng là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất vào đỉnh dịch năm 2020. Bà Tova Schiff, 80 tuổi, một trong những người từng nhiễm bệnh và sống sót chia sẻ việc dịch bệnh có khả năng quay lại thực sự rất ớn lạnh.
"Tôi không biết khi nào mọi thứ chấm dứt, và chấm dứt như thế nào," - bà Schiff chia sẻ. "Liệu mọi chuyện có tệ hơn không, hay nó sẽ chỉ đơn giản là biến mất?"
Bà Schiff đã từng ngần ngại tiêm chủng, nhưng rồi cũng quyết định phải tiêm. "Tôi sợ phải tiêm, nhưng cũng sợ không tiêm," - bà cho biết.
Tova Schiff
Bên ngoài Thư viện Công cộng Queens (khu Flushing), một nhóm người trẻ đang phát tờ rơi về thông tin vaccine cho người đi đường. Tại Trung tâm thương mại New World, Cyrus Lee (32 tuổi) đang ngồi ôm con gái mới 1 tuổi của mình. Gần 85% người dân tại Flushing đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, nhưng Lee vẫn cảm thấy lo sợ.
Lee đã chứng kiến đại dịch nhiều hơn ai hết. Họ hàng anh ở Trung Quốc đã phải đối diện với virus hàng tháng trời trước khi nó đến Mỹ. Khi Covid tràn tới, anh phải chăm lo cho từng bệnh nhân nhập viện ở Trung tâm Y tế Maimonides Brooklyn - nơi anh đang làm trợ lý văn phòng. Bố mẹ anh thì gần như chẳng dám rời nhà suốt 1 năm, không phải vì sợ virus mà sợ làn sóng thù ghét nhắm vào người châu Á.
Khi số ca nhiễm tăng lên, Lee lo lắng bạo lực sẽ lại tiếp diễn: "Nó sẽ không bao giờ thay đổi. Họ vẫn sẽ đổ lỗi cho người châu Á."