Hiện nay, mô hình trồng dừa dùng làm nước giải khát đang được nông dân huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang áp dụng bởi hiệu quả kinh tế cao, ít tốn công chăm sóc. Trong đó, loại dừa uống nước Mã Lai được nhiều người dân lựa chọn, do loại dừa này ít bị bọ cánh cứng, đuông gây hại, vỏ mỏng, gáo to, nước ngọt thơm, thân nhỏ, có thể trồng trên diện tích hẹp.
Vườn dừa Mã Lai của ông Thái Văn Hiếu, ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang).
Sau 03 năm trồng, dừa Mã Lai bắt đầu cho trái, nếu được chăm sóc tốt, dừa đạt sản lượng mỗi 1 công đất (1.000m2) cho thu hoạch khoảng từ 400 - 500 trái/tháng, với giá dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/chục (12 trái) như hiện nay, mỗi tháng người trồng dừa có thu nhập hơn 3 triệu đồng.
Điển hình như hộ ông Thái Văn Hiếu, ngụ ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt rất thành công với mô hình trồng dừa Mã Lai. Với vườn dừa 5.000 m2, ông thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Ông Hiếu cho biết: "Những buồng đầu tiên cho trái nằm sát đất, trông rất đẹp mắt. Thấy bước đầu hiệu quả, tôi đã để giống những buồng dừa khô, để nhân rộng ra 2 công đất. Nhờ dừa mau cho trái nên gia đình tôi có thu nhập sinh hoạt hàng ngày ổn định".
Dừa Mã Lai ông Thái Văn Hiếu trồng rất sai trái, ai trông cũng thích mắt.
Theo ông Hiếu, để trồng dừa thành công, mang lại hiệu quả cao, người trồng phải biết chăm sóc đúng cách, đảm bảo mật độ trồng 5m x 5m. Cây dừa Mã Lai phải được bón phân hàng tháng, sau khi thu hoạch, tiến hành bón phân từ 1,2 - 1,5 kg NPK/cây. Khi bón phân cần đảm bảo đúng cách, đúng kỹ thuật.
Cụ thể, có 2 cách bón phân: cách thứ nhất là xới đất xung quanh gốc dừa, sau khi bón phân xong, lấy bùn dưới mương phủ lên một lớp mỏng (từ 3 - 5 cm), vừa giúp tránh bị trôi phân vừa tạo độ ẩm giúp phân hòa tan nhanh và đều; cách thứ hai là đào khoảng 4 - 5 lỗ nhỏ ở xung quanh gốc dừa, sau đó cho phân vào lỗ tưới nước, chất dinh dưỡng sẽ thấm qua nền đất vòng quanh gốc mà không bị lãng phí phân ra ngoài môi trường. Để dừa đạt năng suất, bên cạnh bón phân hóa học, nhà vườn phải chú trọng bón thêm phân hữu cơ, ủ gốc để tạo độ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Đối với giống dừa Mã Lai, khâu chăm sóc có một số khác biệt so với các loại dừa khác. Khi cây có trái "chiến" (đợt trái đầu tiên) đến 5 - 7 năm sau, phải dùng tre hoặc tràm chống đỡ các buồng dừa để tránh tình trạng buồng bị gãy giữa chừng. Bên cạnh đó, để giúp buồng dừa bám chặt vào thân cây, không nên làm vệ sinh đọt dừa bởi các yếm dừa sẽ giữ buồng chắc chắn hơn.
Nhiều nhà vườn trồng dừa Mã Lai chia sẻ, nếu dừa ở mức giá 50.000 đồng/chục (12 trái), người trồng dừa vẫn có nguồn thu nhập cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa, hoặc màu, lại ít tốn công chăm sóc. Hơn nữa khi trồng dừa, nông dân có thể trồng xen các loại cây màu ngắn ngày để tăng thêm thu nhập theo hình thức lấy ngắn nuôi dài. Đây là một trong những mô hình chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi ở địa phương khá hiệu quả, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, cần được nhân rộng.