Đây là một trong những mức xuất siêu kỷ lục được ghi nhận tại một thời điểm trong năm.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 10 (1 - 15/10), kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 14,1 tỷ USD.
Một số nhóm hàng có xuất khẩu tăng mạnh bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 29%; hàng dệt may tăng 22,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,1%; giày dép tăng 39,3%.
Nửa đầu tháng 10 có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên và nhiều nhóm đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD.
Điện thoại và linh kiện đạt gần 2,6 tỷ USD tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
3 nhóm hàng tỷ USD còn lại là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,9 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (1,84 tỷ USD); dệt may (1,28 tỷ USD).
Hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều tăng. Xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Mỹ tăng 22,6%; Hàn Quốc tăng 16%; Nhật Bản tăng trên 21%.
Tính chung từ đầu năm đến 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 296,337 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 13,64 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đạt gần 289,1 tỷ USD.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt hơn 585 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng cùng kỳ năm 2021, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư lớn với con số xuất siêu hơn 7 tỷ USD.
Một tín hiệu tích cực nữa, đó là tốc độ tăng xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước đã gần bằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo dự báo, nếu duy trì đà tăng trưởng cao trong quý 4/2022, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 750 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là tăng 7 - 8%.