Thông tin này lập tức được các nhà đầu tư, giới địa ốc quan tâm. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGC cũng đã có 3 phiên tăng liên tiếp, đặc biệt là phiên bùng nổ ngày 23/11.
Được biết, trong 2017 Viglacera đã thực hiện thành công đấu giá 120 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống còn 56,67%. Cuối năm nay, Viglacera tiếp tục thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước xuống còn khoảng 53% bằng đợt phát hành cổ phiếu ESOP 2017.
Với chủ trương trên của Bộ Xây dựng, dự kiến đến 2019 Viglacera sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân mạnh về lĩnh vực vật liệu xây dựng và bất động sản. Hiện tại, Tổng Công ty Viglacera - CTCP là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam, và là nhà phát triển bất động sản hàng đầu hiện nay gồm khu công nghiệp cho thuê, khu đô thị, nhà ở để bán và khu thương mại - văn phòng cho thuê.
Trước khi có chủ trương thoái vốn của Bộ Xây dựng, HĐQT Viglacera đã có buổi họp nhằm đưa ra các chủ trương, quyết sách lớn của Tổng công ty này trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Theo đó, trong 9 tháng 2017 kết quả kinh doanh của Viglacera khá khả quan. Lãi trước thuế (hợp nhất) đạt 774 tỷ tăng 36% so với cùng kỳ và hoàn thành 92% kế hoạch năm, doanh thu hợp nhất đạt hơn 6800 tỷ tăng 19% so với cùng kỳ, riêng công ty mẹ lãi tăng 224 tỷ so với cùng kỳ 2016…
Với kết quả này, Ban lãnh đạo Viglacera khá tự tin để đặt ra kế hoạch quý 4 năm 2017 và cả năm, với lợi nhuận hợp nhất quý 4 khoảng 246 tỷ và dự kiến cả năm 1.020 tỷ vượt 15% kế hoạch ĐHCĐ đã giao. Doanh thu hợp nhất quý 4 vào khoảng 2.330 tỷ và cả năm dự kiến 9.136 tỷ vượt 13% kế hoạch ĐHCĐ giao.
Theo Nghị quyết của HĐQT Viglacear, cho thấy 2 lĩnh vực chính mà Tổng công ty này đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh trong những năm tới đó là: Vật liệu xây dựng công nghệ cao và đầu tư kinh doanh BĐS gồm các khu công nghiệp và nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại.
Đối với khu công nghiệp, Viglacera hiện đang sở hữu các Khu công nghiệp lớn, với tổng diện tích đầu tư lên tới 3.580 ha. Gồm10 KCN là: KCN Tiên Sơn (Tỉnh Bắc Ninh), KCN Yên Phong (Tỉnh Bắc Ninh), KCN Thuận Thành (Tỉnh Bắc Ninh), KCN Hải Yên (Tỉnh Quảng Ninh), KCN Đông Mai (Tỉnh Quảng Ninh), KCN Phong Điền (Tỉnh Thừa Thiên Huế), KCN Tiền Hải (Tỉnh Thái Bình), KCN Phú Hà (Tỉnh Phú Thọ), KCN Yên Mỹ (Tỉnh Hưng Yên), KCN Đồng Văn IV (Tỉnh Hà Nam).
Theo báo cáo của VGC, đến nay công ty đã thu hút được trên 200 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…trong đó có các thương hiệu lớn hàng đầu thế giới như Samsung, Canon, Orion, Sumitomo.
Trong đó, với làn sóng đầu tư của tập đoàn Sam Sung, Viglacera sẽ tập trung vốn cho 02 dự án là KCN Yên phong mở rộng và Đồng Văn IV. Bởi theo đại diện tổng công ty này Sam Sung đã quyết định đầu tư mở rộng sản xuất tại Khu công nghiệp Yên Phong tỉnh Bắc Ninh thêm 2,5 tỷ USD nâng tổng mức đầu tư lên 6,5 tỷ USD, và đây là khách hàng lớn của VGC.
Khu công nghiệp Yên Phong Viglacera
Vừa qua, VGC đã tiếp tục giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, cấp điện nước, văn phòng điều hành và dịch vụ tại các KCN đang đầu tư là Yên Phong mở rộng, Đồng Văn IV, Phú Hà, Hải Yên, Đông Mai để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Theo HĐQT VGC, sắp tới sẽ triển khai đầu tư thêm KCN Yên Mỹ (Hưng Yên) 400ha, Đồng Văn IV mở rộng 300ha, Yên Phong II-C – Bắc Ninh 200ha.
Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, báo cáo của Viglacera cho thấy Tổng công ty hiện đang chiếm khoảng 40% tổng công suất thiết kế toàn ngành trong mảng kính xây dựng; 10% năng lực sản xuất toàn ngành sứ vệ sinh, 6% năng lực sản xuất ngành gạch ceramic và 11% năng lực sản xuất gạch granite với tổng công suất 20 triệu m2/năm…
Theo HĐQT của VGC, hiện nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (giai đoạn 1) công suất 600 tấn/ngày đang được đầu tư đúng tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa nhà máy vào vận hành quý 1/2019, nhà máy sứ Mỹ Xuân dự kiến vận hành vào quý 1/2018, dự án cán kính siêu trắng 250 tấn/ngày sẽ tạm dừng để nâng cấp thành dự án kính siêu trắng công suất 600-650 tấn/ngày bằng việc hợp tác với đối tác nước ngoài
Đối với lĩnh vực bất động sản thương mại, Nghị quyết HĐQT của VGC cho biết: Tập trong kinh doanh tại các dự án trọng điểm gồm 123 lô biệt thự KĐT mới Yên Phong, nhà thấp tầng 108 lô KCN Yên Phong và các dự án KĐT Đặng Xá, KĐT Xuân Phương và Dự án 671 Hoàng Hoa Thám giai đoạn 3.
Một số dự án bất động sản mà VGC sắp triển khai xây dựng gồm khu nhà ở xã hội Kim Chung –Đông Anh 1588 căn (dự kiến khởi công vào tháng 11/2017) và phê duyệt dự án nhà xã hội ở Tiên Dương (Đông Anh) 39ha trong tháng 12 tới.
Triển khai hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án, để đủ điều kiện xây dựng và kinh doanh dự án khu nhà ở công nhân Yên Phong Bắc Ninh (9,8ha), Nhà ở thương mại Yên Phong (9,1ha) và khu biệt thự Yên Phong 32,5ha. Chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở cho người lao động và nhà ở thương mại tại Yên Phong – Bắc Ninh quy mô 100ha và một số dự án nhà ở cho cán bộ nhân viên tại các KCN Đồng Văn – Hà Nam, Phú La – Phú Thọ, Đông Mai – Quảng Ninh. Đồng thời, chuẩn bị khởi công Dự án khu đô thị sinh thái Vân Hải (Quảng Ninh) trong tháng 12/2017.