Được ký kết tại Hà Nội bởi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước thành viên ASEAN ngày 15/11/2020, hiệp định đã tạo ra khối thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Theo cam kết, Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt Hiệp định. Với các nước còn lại, hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực đối với các nước đó sau 60 ngày kể từ ngày nước này hoàn tất các thủ tục trong nước.
Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết thuế quan. Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Đến cuối lộ trình sau 15 - 20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6 % - 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi đó, các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam từ 90,7% - 92% số dòng thuế. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 85,9% - 100% số dòng thuế.
Đến nay, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản đã phê chuẩn RCEP. Ngoài ra, các quốc gia đã ký kết bày tỏ ý định phê chuẩn hiệp định này trong năm nay để hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.
Zhang Jianping, Tổng giám đốc Trung tâm Hợp tác Kinh tế Khu vực Trung Quốc cho hay, RCEP sẽ giúp tăng cường chặt chẽ mối quan hệ giữa các nước ký kết, từ đó tác động sâu rộng đến thương mại, đầu tư và hội nhập thị trường trong khu vực. "Điều này sẽ củng cố quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng".
Theo Da Hongfei, Giám đốc điều hành của Onchain - startup công nghệ blockchain, RCEP hứa hẹn mở ra một thị trường rộng lớn và phát triển mạnh cho các doanh nghiệp theo định hướng đổi mới, điển hình như các startup về fintech. Ông nói thêm, RCEP là minh chứng cho thấy các nền kinh tế đã ký kết, tin tưởng và ủng hộ toàn cầu hóa vào thời điểm có nhiều bất định.
Báo cáo được công bố hôm Chủ nhật trong diễn đàn RCEP Media & Think Tank ước tính, RCEP có thể giúp tăng giá trị xuất khẩu, lượng vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng GDP của các nước thành viên lên lần lượt là 10,4%, 2,6%, và 1,8% vào năm 2025. Báo cáo cũng cho biết RCEP có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP toàn cầu thêm 186 tỷ USD mỗi năm.
Công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes dự báo, các quy tắc xuất xứ chung của RCEP có thể làm tăng thương mại nội khối lên 90 tỷ USD mỗi năm so với các hiệp định thương mại tự do khác.
Theo Jia Jingwei, Phó chủ tịch chi nhánh Trung Quốc của Swiss Re Corporate Solutions, quy tắc xuất xứ chung cũng sẽ thu hút các nhà sản xuất tìm cách tối ưu hóa lợi thế so sánh của từng thị trường. RCEP sẽ thúc đẩy tăng trưởng đầu tư trong khu vực trong trung và dài hạn, Jia Jingwei nói, đồng thời nhu cầu bảo hiểm hàng hóa, vận tải và tín dụng sẽ cao hơn.
Tu Xinquan, Chủ nhiệm Viện Nghiên cứu WTO Trung Quốc tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế (Bắc Kinh), nhận định, mặc dù các nền kinh tế RCEP có mức độ phát triển và nguồn lực khác nhau, nhưng có sự bổ sung mạnh mẽ về kinh tế và thương mại, dẫn đến việc hợp tác kinh tế và thương mại sâu rộng hơn.
Điều này cũng có nghĩa rằng RCEP sẽ tạo ra cơ hội cho các nền kinh tế có thu nhập thấp hội nhập sâu hơn vào mạng lưới công nghiệp và thương mại và đầu tư toàn cầu. "Đối với nền kinh tế thế giới, RCEP không chỉ thúc đẩy có thêm nhiều nhà xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chất lượng, mà còn mở rộng thị trường với những người tiêu dùng với nhu cầu ngày càng tăng", ông Tu Xinquan kết luận.