Sau khi Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), về mục tiêu và tham vọng đạt được Net Zero vào năm 2050, dự thảo điện 8 tiếp tục được chỉnh sửa.
Cam kết này khiến Bộ Công Thương phải tính toán lại cơ cấu nguồn điện. Theo đó, Bộ đang có những điều chỉnh về việc phát triển nhiệt điện than; đưa ra khỏi tính toán cân đối đảm bảo an ninh năng lượng công suất nguồn điện mặt trời, do số giờ vận hành hạn chế (tương đương 4 giờ/ngày), chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi.
Tại phương án điều hành tháng 11 được Bộ Công Thương đưa ra, đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt nguồn điện là 155.722 MW, giảm 24.305 MW so với mức 180.027 MW được đưa ra vào tháng 3.
Đáng chú ý, tại kịch bản này, nguồn điện than giảm 6.694 MW; phát điện từ khí LNG mới giảm tới 18.550 MW trong khi đó tăng cường phát điện từ điện gió.
Cụ thể, điện gió trên bờ công suất đặt đến 2030 là 17.338 MW, tăng 1.258 MW so với phương án điều hành tháng 3. Điện gió ngoài khơi tăng 1.000 MW, lên 4.000 MW vào năm 2030.
Dự thảo Quy hoạch điện 8 mới nhất giảm điện than và điện khí
Ngoài ra, so với phương án tháng 3, cơ cấu nguồn nhiệt điện than giảm nhẹ, chiếm 25,49% (phương án tháng 3 là 26,7%). Điện khí chiếm 9,49% (phương án tháng 3 là 9,9%). Điện gió trên bờ chiếm 11,13% (phương án tháng 3 là chiếm 10,7%). Điện gió ngoài khơi chiếm 2,57% (phương án tháng 3 là 2%).
Tại dự thảo Quy hoạch điện 8, điện than vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất.
Đánh giá cao việc Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu thông tin, cộng đồng điện gió đánh giá cao việc Chính phủ xem xét tăng công suất lắp đặt dự kiến cho điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch Điện 8. Đây là tín hiệu hết sức tích cực về mối quan tâm cũng như niềm tin của Chính phủ dành cho ngành.
Bày tỏ ủng hộ việc đưa ra mục tiêu công suất 17.000 MW cho điện gió trên bờ vào năm 2030, nhưng với điện gió ngoài khơi, ông Mark Hutchinson cho rằng: "Mục tiêu công suất cho điện gió ngoài khơi vào năm 2030 trong Quy hoạch Điện 8 vẫn đang được xem xét. Chúng tôi tin rằng, 10 GW là hoàn toàn khả thi, dựa trên những tính toán từ Báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Việc nhanh chóng triển khai điện gió ngoài khơi sẽ tạo đà cho sự phát triển của ngành điện gió ngoài khơi, qua đó dẫn tới việc giảm mạnh chi phí trong tương lai".
Trong bối cảnh điện than có nhiều khả năng sẽ bị cắt giảm đáng kể trong Dự thảo Quy hoạch Điện 8 mới, ông Mark Hutchinson nhấn mạnh, điện gió là nguồn điện lý tưởng bổ sung cho lượng công suất còn thiếu.
Theo đại diện GWEC, sử dụng nguồn tài nguyên gió bản địa và vô tận. Do đó, việc triển khai điện gió ngoài khơi sẽ bảo vệ ngành năng lượng của Việt Nam, khỏi các rủi ro của thị trường nhiên liệu thế giới nhiều biến động.
Trước nỗi lo về tính bất định của điện gió, đại diện GWEC chia sẻ, điện gió ngoài khơi có tính đoán định và hệ số công suất (dựa trên số giờ phát điện) rất cao, lên tới 55%. Yếu tố đáng tin cậy này sẽ giúp đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng.
Cùng với các công nghệ lưu trữ điện (ban đầu là pin tích trữ và thủy điện tích năng, và sau này là hydro), thủy điện, và tuabin khí linh hoạt, điện gió sẽ góp phần xây dựng lưới điện đáng tin cậy cho tương lai.
Dù nguồn vốn cho điện gió được đánh giá là dồi dào, nhưng việc tiếp cận nguồn tài chính này được đánh giá vẫn còn một số rào cản cần được giải quyết, bao gồm cơ chế cấp phép, chính sách hỗ trợ, và khả năng huy động vốn của Hợp đồng mua bán điện.