Đường Vành đai 3 qua Bình Dương có chiều dài 26,6km, chia làm 3 đoạn. Đoạn đầu từ nút giao Tân Vạn (dài 2,4km), đoạn trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn (dài 15,3km, đã xây dựng 6 làn xe). Đoạn còn lại từ nút giao Bình Chuẩn đến cầu Bình Gởi, bắc qua sông Sài Gòn (dài 8,9km).
Nút giao Tân Vạn, thuộc dự án thành phần 5, đi qua TP.Dĩ An dài 2,4km, tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.
Nút giao Tân Vạn là nút giao phức tạp nhất, là vị trí kết nối giữa quốc lộ 1 hiện hữu với đường Vành đai 3. Đoạn công trình này cũng được đánh giá là phức tạp nhất trong 10 nút giao trên toàn tuyến Vành đai 3 TP.HCM.
Giai đoạn 1 Bình Dương sẽ đầu tư nút giao liên thông hoàn chỉnh gồm cầu vượt theo hướng đường Vành đai 3; nhánh rẽ trái từ Vành đai 3 vào Xa lộ Hà Nội; nhánh rẽ trái từ Bình Chuẩn đi cầu Đồng Nai và các nhánh rẽ kết nối.
Nút giao hoàn thành sẽ giải quyết ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại đây do lưu lượng xe đông đúc.
Để triển khai dự án đường Vành đai 3 khu vực nút giao Tân Vạn, Dĩ An có 511 trường hợp phải thực hiện bồi thường, giải tỏa nằm ở 2 phường Bình Thắng và Bình An, với diện tích thu hồi khoảng 350.000m2.
Trong đó, TP.Dĩ An có 429 trường hợp thu hồi đất và 82 trường hợp chỉ có tài sản trên đất, với số tiền dự kiến phục vụ cho công tác đền bù giải tỏa là 3.339 tỷ đồng.
Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện các bước, công tác đo đạc, kiểm đếm, thiết lập hồ sơ bồi thường đạt tỷ lệ 100%; công tác chi trả tiền bồi thường được 34 đợt với tổng giá trị giải ngân bồi thường trên 2.582 tỷ đồng.
Bà Phan Thị Kim Anh - người dân phường Bình Thắng (TP.Dĩ An) có diện tích bị ảnh hưởng, cho biết người dân đồng lòng với chủ trương giao đất làm đường để phát triển kinh tế. Gia đình bà đã chấp nhận giao đất để Nhà nước hoàn thành dự án.
Đại diện Công ty CP TM&DL Bình Dương cho biết, công ty cũng đã bàn giao 15.000m2 mặt bằng tại vị trí giao cắt giữa đường ĐT743 và Xa lộ Hà Nội (ngay cầu vượt Tân Vạn) cho chính quyền địa phương.
UBND TP.Dĩ An cho biết, đến nay, địa phương đã tiếp nhận mặt bằng sạch được 5 đợt, với 34 trường hợp, tại các vị trí đường Xa lộ Hà Nội ĐT743, Mỹ Phước-Tân Vạn, đường Nguyễn Xiển, đường giáo xứ Nghĩa Sơn... với diện tích gần 197.000m2, chiếm tỷ lệ 56%.
Riêng vị trí nút giao Mỹ Phước - Tân Vạn, Dĩ An đã tiếp nhận mặt bằng với diện tích khoảng 8.600m2 (trên 30.000m2) của 2 trường hợp thuộc một hộ dân và Công ty TNHH Thủy Châu.
Hiện TP.Dĩ An đang tiếp tục khảo sát, tập trung bàn giao phần đất công còn lại với diện tích khoảng 20.600m2 và của một số hộ dân khác.
Ông Võ Trọng Tài - Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An cho biết, vẫn còn một số trường hợp còn vướng do khâu định giá đất, hoặc suất vốn đầu tư hạ tầng. TP.Dĩ An đang tổng hợp, trình Sở Tài chính, Sở Xây dựng phê duyệt làm cơ sở thực hiện công tác đền bù hỗ trợ đối với suất đầu tư hạ tầng. Công tác chuẩn bị nền đất cho công tác tái định cư Vành đai 3 cũng đang thực hiện tốt.
TP.Dĩ An phấn đấu đến hết quý II/2024 hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng để tiếp nhận mặt bằng, bàn giao cho các đơn vị thi công.